• Thi đua - Khen thưởng

Người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái

15/01/2020 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/01/2020 | 09:00

STO - Ông Nguyễn Văn Trực, hội viên Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp An Tập, xã Thiện Mỹ (Châu Thành) sau khi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trở về quê nhà, từ hai bàn tay trắng mà ông đã tạo dựng một cơ nghiệp khá vững chắc. Mồ côi cha từ nhỏ nên ông đồng cảm với những người đồng cảnh ngộ, ông thương yêu những người nghèo, những người có cảnh đời bất hạnh và nhận về làm con nuôi cùng lúc 3 người bị mồ côi cha mẹ.

Nhà của CCB Nguyễn Văn Trực nằm vùng nông thôn xã Thiện Mỹ, bốn bề là cánh đồng lúa mênh mông, những ngôi nhà tường khang trang nằm san sát bên nhau, sân nhà khá rộng, cặp sát bờ kênh là những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy xới. Ông Trực cho biết, lúc 6 tuổi, cha mất, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn do anh em đông, nhưng nguồn thu nhập chính của gia đình duy nhất là 1 vụ lúa mùa trong năm. Trước cảnh nghèo khó cơ cực, ông phải đi làm thuê kiếm sống. Bản thân ông Trực trước kia là du kích địa phương trong kháng chiến chống Mỹ và sau này, ông tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Vợ ở quê nhà phải chăm sóc con nhỏ, làm thuê kiếm tiền nuôi con, nên gia đình càng khó khăn hơn.

Sau khi làm tròn nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, ông trở về quê nhà cùng vợ lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Lúc đầu, chỉ cất được ngôi nhà tạm bợ bên kinh An Tập, tiếp tục sinh sống bằng nghề làm thuê. bất kể ai thuê gì thì vợ chồng ông làm công việc đó như: cắt cỏ cho bò ăn, cấy lúa, đào đất, bắt cá tép mưu sinh, phụ hồ… để trang trải cuộc sống gia đình. Sau một thời gian, gia đình ông tích lũy mua 1 đôi trâu cày thuê, kéo lúa mướn cho bà con trong và ngoài địa phương, kết hợp nuôi vịt chạy đồng...

Gia đình CCB Nguyễn Văn Trực vươn lên làm giàu từ ý chí và nghị lực người lính "Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: TS

Nhờ vào sự lao động cần mẫn của bản thân và gia đình, sau hàng chục năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, đất không phụ lòng người, gia đình ông tích góp được số tiền kha khá, nên ông lên tận TP. Cần Thơ mua cùng lúc 2 máy cày. Với ý định nâng cao năng suất sản xuất lúa của gia đình và cày thuê cho bà con trong ấp, kéo lúa thay trâu, bơm nước phục vụ tưới tiêu, với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”. Từ những dịch vụ này, giúp ông vượt qua khó khăn, tích góp mua đất sản xuất, nay gia đình ông đã sở hữu 60ha và mua sắm thêm 3 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày đời mới, trị giá 1,4 tỉ đồng cùng nhiều phương tiện dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây cất cùng lúc 7 căn nhà tường khang trang cho vợ chồng và 6 người con (con ruột và con nuôi).

Ông Trực cho biết thêm: “Vợ chồng tôi tết này mỗi người vừa tròn 62 tuổi đời, sức yếu, nhưng rất đam mê lao động. Ngoài việc canh tác hàng trăm công ruộng, tôi còn đi làm dịch vụ thu hoạch lúa cho bà con tại địa phương và các tỉnh lân cận. Trừ chi phí nhân công, bảo quản phương tiện sản xuất, mỗi năm tôi thu lợi nhuận hơn 3 tỉ đồng/năm. Đời sống, sinh hoạt gia đình khá giả, tôi còn giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong và ngoài ấp về vốn, cho mượn đất sản xuất lúa, cấp phát gạo, đóng góp làm lộ, cầu để cùng địa phương tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện. Tôi mong muốn đời sống bà con mình ngày càng cải thiện, vươn lên khá giàu như gia đình tôi”.

Chú Lê Tiến Hừng, ở cùng ấp An Tập bộc bạch: “Mới đây, vợ chồng Sáu Trực đã bỏ ra gần 1 tỉ đồng để làm cầu đường chạy dài gần 10km, tạo điều kiện đi lại nên bà con rất quý trọng nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng CCB Sáu Trực”.

Đồng chí Đặng Văn Khinh - Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành nhận xét: “Dù bất kỳ trong hoàn cảnh khó khăn nào, nhưng CCB Nguyễn Văn Trực luôn phát huy và giữ vững phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không nệ khó khăn, gian khổ, nhất là những năm tháng chiến tranh khốc liệt trên chiến trường Campuchia nhưng anh đã cùng đồng chí, đồng đội dũng cảm chiến đấu. Trở về quê từ đôi bàn tay trắng, nay anh đã trở thành hộ giàu có tại địa phương. Điều mà đồng chí, đồng đội năm xưa và bà con hàng xóm còn khâm phục tấm lòng nhân ái của vợ chồng CCB Nguyễn Văn Trực là khi người làm công của gia đình quê ở xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) mất ở tuổi đời còn trẻ, để lại 3 đứa con thơ (1 gái, 2 trai), anh nhận đỡ đầu và rước 3 trẻ về nuôi dạy và chung sống trong gia đình giống như con đẻ của chính mình. Vợ chồng anh cưới vợ, gả chồng, cho con ruột và con nuôi mỗi người một căn nhà tường khang trang và vợ chồng anh còn cắt cho mỗi người con nuôi từ 50 - 70 công đất để canh tác. Cả hai hy vọng, những mảnh đời bất hạnh này biết chăm lo lao động, sản xuất sẽ trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội, sớm vươn lên trở thành hộ khá, giàu”.

Thanh Sơn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: