• Thi đua - Khen thưởng

Những cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo

30/07/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/07/2020 | 06:00

STO - Với bản lĩnh được tôi luyện trong quân ngũ, không ngại khó, ngại khổ, kiên trì trong lao động nên cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Vân và Nguyễn Ngọc Son ở xã Phú Tân (Châu Thành) đã vượt qua khó khăn, xây dựng cơ ngơi khang trang, cơ sở làm ăn bền vững và đã trở thành những tấm gương sáng của địa phương trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...

Trong ánh nắng gay gắt của những ngày hè, CCB Nguyễn Ngọc Son, ấp Phước Lợi, xã Phú Tân (Châu Thành) nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan vườn bưởi da xanh đã 2 năm tuổi của gia đình. Ở xa nhìn vào khó có ai nhận ra bao quanh ruộng lúa mênh mông là vườn bưởi tươi tốt đang giai đoạn chuẩn bị ra hoa kết trái, xen trong vườn bưởi là những cây ớt sừng vàng đang cho trái sai oằn. Đưa tay nâng nhành bưởi xanh tươi ngắm nghía từng lá, ông Son cho biết: “Mặc dù vườn bưởi chưa đến tuổi cho trái nhưng bước đầu tôi đã thấy đây là mô hình rất thành công, bởi cây giống được tôi lựa chọn kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng và được các chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn canh tác nên vườn bưởi luôn tươi tốt”.

CCB Nguyễn Ngọc Son, ấp Phước Lợi, xã Phú Tân (Châu Thành) bên vườn bưởi da xanh xen canh ớt sừng vàng được chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo ông Son, trong lúc chờ đợi cây bưởi cho trái (phải mất thời gian tầm 3 năm), ông đã tận dụng phần đất xung quanh vườn bưởi để trồng các loại màu. “Tính ra, trong 2 năm vừa qua, tôi đã trồng 6 đợt dưa hấu trong vườn bưởi 3,5 công đã đem về nguồn thu hơn 80 triệu đồng. Giờ cây bưởi đã phát triển cành, lá nhiều, không còn phù hợp trồng dưa hấu nên tôi đã trồng cây ớt sừng vàng xen vào. Hiện tại ớt đang thu hoạch, mỗi ngày bỏ túi số tiền vài trăm ngàn đồng, dự kiến ớt sẽ hái trong vòng 2 - 3 tháng đến hết vụ, số tiền thu về tầm 20 triệu đồng/đợt. Ngoài vườn bưởi chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, tôi còn mạnh dạn đưa cây dưa hấu trồng dưới chân ruộng nhằm thay thế vụ lúa Hè - Thu không đạt năng suất tốt, hiện dưa đang phát triển tốt, tầm 2 tháng nữa sẽ thu hoạch trái...”.

Đưa ánh mắt nhìn xa xăm nhớ lại mấy mươi năm trước, ông Son bộc bạch: “Với tinh thần người lính, bản thân tôi luôn luôn học tập noi theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, sống tiết kiệm, giản dị, nói đi đôi với làm. Chính vì vậy, khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1992, trong tay không ruộng đất sản xuất, bản thân phải đi làm thuê làm mướn đủ thứ nghề dành dụm được chút đỉnh tiền mua đất dựng căn chòi tạm để ở. Có nơi an cư, thì tôi phải cố gắng lập nghiệp bằng cách chăn nuôi (nuôi rắn ri voi), làm bánh bán... tích cóp mua đất nông nghiệp sản xuất lúa. Đến nay, gia đình đã có gần chục công đất vừa làm vườn vừa làm ruộng và duy trì nghề làm bánh, cho thu nhập tầm 400.000 đồng/ngày từ việc bán bánh bao, bánh quai dạt...”.

CCB Nguyễn Ngọc Vân, ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) ổn định đời sống nhờ bán tạp hóa tại nhà. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như ông Son quyết định chuyển đổi cây lúa sang trồng bưởi da xanh để có thu nhập ổn định trong thời gian tới thì ông Nguyễn Ngọc Vân, ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) tận dụng diện tích phần đất nền phía sau nhà để trồng cây hồng nhung bán trái, kể cả ương cây giống hồng nhung bán ra thị trường. Dẫn đường khách ra phía sau nhà tham quan vườn hồng nhung, ông Vân chia sẻ: “Tôi tham gia chiến trường Campuchia năm 1985 đến năm 1988 xuất ngũ về Phú Tân lập gia đình và sinh sống đến tận ngày nay. Lúc đó, tôi không đất sản xuất phải ở nhờ bên nhà vợ và đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nhưng bấp bênh nên tôi mượn số vốn từ gia đình bên vợ mua đồ nghề sửa xe đạp, dành dụm chút tiền mua mảnh đất làm nhà ở, rồi mở luôn tiệm cầm đồ, sạc bình ắc quy, kinh doanh bất động sản... Và 8 năm trở lại đây, tôi chuyển hẳn sang việc bán tạp hóa tại nhà và dành thời gian trồng cây hồng nhung và lấy trái ương cây giống. Nếu số lượng trái không đủ ương, tôi mua thêm tại các hộ khác. Tính bình quân mỗi năm, tôi xuất bán 2.000 - 3.000 cây giống hồng nhung, thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Riêng tiệm tạp hóa đem về nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm, giờ thì gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định hàng năm, cơ ngơi đã vững vàng...”.

Chủ tịch Hội CCB xã Phú Tân (Châu Thành) Trần Minh Dũng cho biết: “Hội viên CCB Nguyễn Ngọc Son và Nguyễn Ngọc Vân được xem là những tấm gương sáng điển hình tiên tiến của CCB tại địa phương. Các hội viên đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tham gia trong quân ngũ và trở lại đời thường, dù khởi nghiệp chỉ với bàn tay trắng nhưng phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững bằng các mô hình làm ăn hiệu quả. Với các mô hình của 2 hội viên trên, Hội CCB xã đã triển khai nhân rộng tại các ấp trên địa bàn xã cho hội viên có nhu cầu như chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh hay kinh doanh tạp hóa tại nhà. Tới đây, Hội CCB xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào hội viên góp vốn, quỹ giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: