• Thi đua - Khen thưởng

Những nhà giáo tận tụy với sự nghiệp “trồng người”

17/11/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 17/11/2018 | 06:00

STO - Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), hạnh phúc lại trào dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô, những "người lái đò" thầm lặng luôn yêu nghề và khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Và chúng tôi có dịp gặp gỡ những nhà giáo tiêu biểu như thế.

Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý được xã hội tôn vinh. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” - câu nói đã khẳng định vị trí, vai trò của người thầy trong sự phát triển của mọi thời đại, những người thầy mang trên vai trọng trách truyền lại tri thức, văn hóa, đạo đức… cho các thế hệ mai sau.

Tấm lòng cô giáo dạy trẻ khuyết tật - Lý Thị Thanh Thúy

Dạy một đứa trẻ đã khó, nhưng dạy một đứa trẻ không may bị khuyết tật còn khó khăn gấp bội phần, vậy mà có những con người vì chữ tâm và vì gắn bó với nghề đã vượt qua mọi khó khăn về vật chất, điều kiện làm việc, sẵn sàng dạy dỗ những học sinh như thế - đó là cô Lý Thị Thanh Thúy (sinh năm 1969) - giáo viên Trường Tiểu học An Thạnh 2B (Cù Lao Dung). Cô vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc chung tay chăm lo dạy trẻ khuyết tật, cô còn vinh dự đại diện cho đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật của ngành tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, trong năm học 2016 - 2017, cô Thúy đã nhận dạy trực tiếp cho một bé gái tên Thảo bị khuyết tật bẩm sinh, không có tay, chân vào học lớp 1 do cô phụ trách. Thảo di chuyển rất khó khăn nên mỗi buổi sáng khi bà ngoại đưa em đến trường thì cô Thúy đợi sẵn ở cổng trường để bế em vào trong lớp, cứ như vậy đến nay Thảo đã học đến lớp 3.

Được biết, quá trình dạy học cho Thảo cũng lắm gian nan vì em không có tay để cầm viết mà chỉ kẹp viết vào má để viết hay vẽ, ban đầu em viết chữ rất to, những nét chữ còn ngoằn ngoèo. Trường hợp của em Thảo được cô đặc biệt quan tâm, cô không chỉ giúp đỡ em trong việc đi lại mà còn chủ động tự học hỏi, tìm hiểu phương pháp dạy học đối với học sinh khuyết tật như Thảo. Cô Thúy chia sẻ: “Lúc nhận dạy Thảo, tôi luôn tâm niệm mình là người mẹ thứ hai của em và để dạy được cho em trước hết phải tạo cảm giác gần gũi, thân thiện, đồng thời phải thật sự kiên trì, nhẫn nại để giúp em học tốt, vượt qua mặc cảm về bản thân mà tự tin hòa nhập với bạn bè. Khi tập viết cho em Thảo, tôi phải viết mẫu bằng bút chì, sau đó uốn nắn cho em từng nét chữ, cứ như vậy chỉ khoảng hơn nửa học kỳ 1 là em đã viết được thành thạo”.

Được biết, gia đình còn có mẹ già, con nhỏ cần nhiều thời gian để chăm sóc, nhưng cô Thúy vẫn tranh thủ thời gian để giúp đỡ cho Thảo khi có việc cần. Không chỉ trong giờ học trên lớp mà khi nhà trường có tổ chức các hoạt động ngoài giờ, cô Thúy bế em Thảo để em được tham gia vui chơi cùng các bạn.

Trong cuộc sống hàng ngày, cô Thúy là người giản dị, luôn gần gũi với phụ huynh, học sinh và đối với các giáo viên mới vào nghề cô sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Với 23 năm công tác, cô Thúy là một giáo viên luôn yêu nghề, nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt, hết lòng tận tụy với công việc, sống giản dị, luôn hòa đồng với mọi người nên được đồng nghiệp cũng như phụ huynh, học sinh quý mến.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Xuân

Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Sóc Trăng) có rất nhiều cô giáo tận tâm, giỏi nghề, trong đó phải nhắc đến cô Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1971) - một trong những giáo viên giỏi nghề và nhiệt tình trong mọi hoạt động của nhà trường.

Với 24 năm gắn bó với nghề, chị luôn cố gắng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức của một nhà giáo, không ngừng học tập, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, để có những bài giảng hay và tìm tòi xây dựng phương pháp giảng dạy sao cho khoa học, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Chị đã có những sáng kiến kinh nghiệm như: một số biện pháp để tổ chức phụ đạo học sinh yếu có hiệu quả, góp phần hạn chế tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở lớp 1; một số biện pháp luyện đọc đúng cho học sinh lớp 1 trong các tiết tập đọc…

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy, chị Xuân cho biết: “Trước nhất là giáo viên thì phải yêu nghề, mến trẻ, tận tâm và phải chịu khó học hỏi, thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy để tạo sự thích thú trong học tập”.

Dù bận rộn với công việc, nhiệm vụ được giao, nhưng chị luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý cho việc chung, việc riêng, có kế hoạch làm việc khoa học. Không chỉ giỏi việc trường, chị còn là người vợ, người mẹ mẫu mực trong gia đình, luôn đồng hành cùng chồng chăm lo cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc hai con chăm ngoan, học giỏi. Được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học trò là niềm vui để chị không ngừng nỗ lực, phấn đấu.

Với lòng yêu nghề, cộng với tinh thần ham học hỏi mà những năm qua chị gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, quý mến. Nhiều năm liền, chị được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đặc biệt năm 2017 chị được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Đó cũng là niềm vinh dự, động lực để chị phấn đấu hơn nữa vì sự nghiệp “trồng người”.

Cô Dương Bảo Ngân Hà - Người cán bộ quản lý giỏi

Gương mẫu, có trách nhiệm, tận tụy với nghề, tâm huyết với công việc là những nhận xét của các đồng nghiệp dành cho cô Dương Bảo Ngân Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Cù Lao Dung) - cô vừa đạt giải nhất tại hội thi “Cán bộ quản lý giỏi cấp học mầm non” năm 2018, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, nên từ thuở nhỏ cô đã mong ước sau này lớn lên được làm cô giáo, nối nghiệp ba mẹ. Năm 2008, tốt nghiệp sư phạm mầm non và được phân công về giảng dạy ở Trường Tiểu học Đại Ân 1A (lúc đó trường mầm non, tiểu học ghép chung). Tuy những ngày đầu đứng lớp cũng còn bỡ ngỡ, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, ham học hỏi nên cô bắt nhịp rất nhanh. Cô Hà chia sẻ: “Giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, các cô không chỉ dạy mà còn phải chăm sóc cho các bé, vì vậy người giáo viên phải có lòng yêu trẻ thì mới làm được, đồng thời phải tạo cảm giác thân thiện, gần gũi và hiểu tâm ý của từng trẻ để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi”.

Bên cạnh đó, cô không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn và hoàn thành tốt công việc được giao. Năm 2011, cô được tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hướng Dương và đầu năm 2014 cô được chuyển về công tác tại Trường Mầm non Hoa Mai cho đến nay. Với vai trò là cán bộ quản lý, hàng năm ngoài việc triển khai kế hoạch chuyên môn bám sát nhiệm vụ năm học, cô còn quan tâm đến chất lượng chăm sóc trẻ, bếp ăn của trường được cô chỉ đạo luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đúng, đủ khẩu phần ăn cho trẻ, cung cấp đủ năng lượng cho trẻ trong một ngày ở trường.

Cô luôn nhiệt tình và đi đầu trong thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do ngành giáo dục phát động, đồng thời chỉ đạo giáo viên tham gia các hội thi cũng như bản thân tham gia và thường xuyên đạt giải cao; cô còn gương mẫu thực hiện tốt các nội quy của nhà trường đề ra để làm gương cho các giáo viên khác.

Từng là giáo viên đứng lớp, cô rất quan tâm đến việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trẻ, những cô giáo trẻ luôn thấy ở cô một tấm gương về sự tận tâm với nghề, đặc biệt là một tình yêu với con trẻ. Với 10 năm công tác, dù ở vị trí của một cô giáo đứng lớp hay trên cương vị là cán bộ quản lý, với bất cứ vai trò nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh tin yêu, quý mến, nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen.

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” - trong sự nghiệp vẻ vang ấy, nhà trường và các thầy cô giáo góp phần vô cùng quan trọng, là những nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục, tiêu biểu trong đó cô Lý Thị Thanh Thúy, cô Nguyễn Thị Xuân, cô Dương Bảo Ngân Hà đã làm sáng đẹp thêm tấm gương những nhà giáo ưu tú trong thời đại mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

H.Như

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: