• Thi đua - Khen thưởng

Nông dân Khmer thoát nghèo nhờ nuôi bò siêu thịt

15/04/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/04/2019 | 06:00

STO - Trong những năm qua, huyện Mỹ Xuyên đã triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là các hộ dân Khmer có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, trong đó có mô hình chăn nuôi bò siêu thịt. Đây là một trong những mô hình được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, giúp hộ dân thoát nghèo bền vững.

Bà Sơn Thị Sà Rẹn ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú cho biết: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ con bò để nuôi, nên giờ cuộc sống của gia đình tôi đỡ hơn trước nhiều lắm, kinh tế được ổn định phần nào”. Dẫn chúng tôi ra sau vườn để xem con bò của gia đình, bà Rẹn chia sẻ thêm: “Vì gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện học hành nên kiến thức rất hạn hẹp. Chính vì vậy, quanh năm suốt tháng chỉ đi làm thuê làm mướn là chủ yếu. Giờ được hỗ trợ bò, gia đình tôi rất mừng. Lúc chính quyền địa phương bàn giao, bò có trọng lượng khoảng trên dưới 140kg, khi nuôi được khoảng 3 tháng đã tăng thêm được gần 50kg”.

Hộ dân Khmer thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.

Cũng là một trong những hộ Khmer nghèo được địa phương hỗ trợ giống bò siêu thịt, anh Huỳnh Đươl ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú cho biết: “Giống bò này dễ nuôi, từ khi nhận về tôi cho ăn cỏ là chủ yếu nhưng chỉ hơn 2 tháng, bò đã phát triển rất nhanh, trọng lượng lớn gấp rưỡi so với giống bò khác cùng tuổi”. Do hai vợ chồng phải đi làm thuê hàng ngày nên việc chăm sóc bò được ba mẹ già phụ giúp. Tuy nhiên, công việc chăm sóc bò cũng nhẹ nhàng, chỉ vệ sinh chuồng sạch sẽ, còn thức ăn thì tận dụng rơm ngoài đồng và tìm cắt thêm cỏ, chứ không tốn kém mua các loại thức ăn chăn nuôi.

Theo cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Thạnh Phú, để hỗ trợ sản xuất cho hộ dân ở địa phương, xã chọn mô hình chăn nuôi bò để phát triển. Bởi qua nhiều năm triển khai các mô hình phát triển kinh tế thì chăn nuôi bò là có hiệu quả và bền vững hơn so với các mô hình khác. Đa số các hộ dân trong xã thoát nghèo cũng là nhờ chăn nuôi bò. Ông Lê Văn Ngoan - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: “Đối với giống bò siêu thịt thì xã đã triển khai thực hiện vào cuối năm 2016. Qua thời gian nuôi cho thấy, bò phát triển nhanh, thích nghi tốt và chưa có trường hợp dịch bệnh gây hại trên bò. Những ưu điểm vượt trội của giống bò siêu thịt đang mở ra hướng đi mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ dân, đặc biệt là đối với các hộ Khmer nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới”.

Thông tin về đặc điểm cũng như cách chăm sóc cho bò phát triển tốt, ông Nguyễn An Thanh - Trưởng Trạm Thú y huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Giống bò siêu thịt là giống bò đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội, nhất là vùng đùi sau, bò có ngoại hình đẹp, hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đàn bò cho địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, cần phải thường xuyên tiêu độc, khử trùng, thu gom phân thải, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tuân thủ đầy đủ lịch tiêm phòng các loại bệnh theo đúng định kỳ triển khai của cơ quan thú y địa phương”.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: