• Thi đua - Khen thưởng

Sự tiến bộ của các em là phần thưởng lớn nhất

12/09/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 12/09/2019 | 06:00

STO - Mới ngày nào ra trường chập chững bước vào nghề, nay cô giáo Nguyễn Thị Thu Vân - Tổ trưởng Tổ 1 (học sinh chậm phát triển), Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã có 17 năm kinh nghiệm với nghề. Học trò của cô giáo Vân là những trẻ khuyết tật, nên điều mà cô hướng đến là sự tiến bộ của các em học sinh, cô xem đó là phần thưởng cho sự cố gắng và nỗ lực của mình.

Từ nhỏ, cô đã có ước mơ được đứng trên bục giảng, làm “người lái đò” chở tri thức đến các em nhỏ. Nhìn cô như trẻ lại khi quay ngược thời gian trở về quá khứ, cái thời mới bước chân vào nghề, với biết bao điều đáng nhớ. Cô Vân bồi hồi lật từng trang hồi ức: “Ra trường, tôi được phân công về Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh công tác đến nay. Lúc đầu, tôi thấy lo nhiều lắm. Vì học ở trường không được thực tập thực tế ở trường trẻ khuyết tật nên tôi cũng không có kỹ năng gì cả. Khi ấy, tôi được phân công dạy các em khiếm thính, tôi không biết tiếp xúc các em ra sao. Bối rối đủ thứ. Nhưng khi nhìn các em, tôi thấy thương các em lắm nên tôi tự nhủ mình phải cố lên, không vì chút khó khăn mà nản. Rồi được bồi dưỡng nghiệp vụ, nghề dạy nghề nên tôi dần quen công việc hơn”.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân tận tình với các em học sinh vì sự tiến bộ của các em. Ảnh: Ngọc Hải

Tuy nghe những điều cô giáo Vân chia sẻ thấy đơn giản, nhưng rõ ràng để có sự “bắt đầu” không hề giản đơn, nhất là cô giáo trẻ mới ra trường. “Vì có tình yêu với nghề, tình yêu thương học trò, tôi không ngại khó, ngại khổ” - cô giáo Vân chia sẻ động lực giúp cô “đứng vững” trên bục giảng. Bước vào năm học mới, cô làm quen, tìm hiểu hoàn cảnh từng em và nắm cách thức diễn đạt như thế nào để cô và trò có “tiếng nói chung”. Trong giờ lên lớp chính thức, cô sử dụng đồ dùng dạy học (tranh ảnh minh họa, vật thật) do tự tay cô làm, trang bị nhằm giúp học sinh hiểu bài và tiếp thu bài tốt, đem lại hiệu quả cao trong việc giảng dạy.

Với sự tận tâm, tạo sự gần gũi nên cô được học sinh yêu mến. Lớp cô Vân chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số học sinh, không có học sinh bỏ học; đảm bảo chất lượng hai mặt của học sinh về: môn học và hoạt động giáo dục, năng lực và phẩm chất. Nhắc những kỷ niệm về học sinh, niềm hạnh phúc lại hiện lên khuôn mặt cô: “Tôi nhớ có lần gặp em Cần, em bị khiếm thính năm 7 tuổi. Do khuyết tật từ nhỏ nên vốn từ em rất ít, tôi dạy em nhiều từ, kèm em phát âm, vốn từ em dần nhiều lên. Gặp tôi em mừng lắm. Hỏi thăm mới biết em giờ đã có việc làm ổn định, làm phụ bếp trong một trường học trên địa bàn TP. Sóc Trăng. Tôi rất mừng cho em ấy”.

Trong quá trình giảng dạy, cô đã có sáng kiến kinh nghiệm áp dụng hiệu quả, được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận như: Thực hiện đề tài “Một vài biện pháp giúp học sinh lớp 8 khiếm thính học tốt dạng toán “Đổi các số đo độ dài, khối lượng, diện tích, thể tích bằng cách sử dụng các bảng đơn vị đo””; Một số biện pháp giúp học sinh khiếm thính lớp 8A học tốt phân môn tập đọc.

Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đã dành nhiều lời khen cho cô giáo Vân: “Đồng chí Vân có kinh nghiệm giảng dạy, cố gắng phấn đấu trong công việc và có bảng thành tích khá “dày”. Tính những năm gần đây, xét thành tích thi đua, 3 năm liền đồng chí Vân đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Riêng năm học 2018 – 2019, đồng chí Vân nhận được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi thấy đây là nguồn khích lệ tinh thần rất lớn, để đồng chí Vân lập nhiều thành tích hơn trong thời gian tới”.

Chia tay tôi bằng nụ cười rạng rỡ trên môi và tôi không quên hình ảnh người giáo viên là “điểm tựa” cho những học trò khuyết tật vượt lên, bước vào đời bằng những hành trang là kỹ năng, kiến thức được học tại trường. Năm học 2019 - 2020, cô Vân được phân công chủ nhiệm lớp học sinh chậm phát triển. Đây cũng là thử thách vì trước đây lớp cô chủ nhiệm là lớp khiếm thính và 2 năm chủ nhiệm lớp khiếm thị. Tuy nhiên cô vẫn lạc quan, tin rằng tình yêu nghề, yêu trẻ làm cô “vững bước” trên con đường “chắp cánh ước mơ” cho những học sinh khuyết tật.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: