• Thi đua - Khen thưởng

Thầy giáo trường làng và niềm đam mê sáng tạo

27/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 27/05/2018 | 06:00

STO - Nếu nhắc đến ông Nguyễn Văn Nưng - giáo viên, công đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học An Thạnh 3A, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) thì không ai xa lạ với những sáng tạo độc đáo, góp phần giảm chi phí sản xuất cho nông dân.

Trong ngôi nhà khang trang ở ấp An Bình, thầy Nưng dành một không gian riêng với các thiết bị phục vụ niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo. Khác hẳn với diện mạo nghiêm nghị khi lên lớp, ông giản dị trong bộ quần áo dính đầy dầu nhớt, đôi tay thao tác nhanh nhẹn làm công đoạn cuối cùng để kịp giao máy cho khách. Chỉ là thầy giáo trường làng vùng đất cù lao cách trở nhưng ông đã thành công khi làm ra “máy vô chân ấm mía” với hiệu quả mang lại bất ngờ.

Ông Nguyễn Văn Nưng - công đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học An Thạnh 3A, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) bên sản phẩm sáng tạo, giúp nông dân tiết kiệm chi phí trong trồng mía.

Theo lời ông Nưng, vụ mía năm 2012 - 2013, gia đình trồng được 20 công, thời điểm đó rất khó kiếm lao động. Thấy nông dân vất vả trăm bề, ông suy nghĩ đến việc thay thế lao động sức người bằng sức máy. Sau đó, ông nghiên cứu lắp ráp “máy vô chân phả mía” và chạy thử đã thành công. Năm 2015, ông làm hồ sơ, thủ tục xin hỗ trợ vốn từ Dự án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Sóc Trăng. Sáng chế của ông lọt qua vòng sơ khảo, chung khảo, được Ban Quản lý dự án đồng ý tài trợ kinh phí triển khai thực hiện với số tiền 79,9 triệu đồng. Ông tiếp tục cải tiến máy theo hướng “3 trong 1” là chạy vô chân phả, vô chân ấm, vô chân đạp, cải tiến trọng lượng máy gọn, nhẹ dễ vận chuyển, an toàn cho người lái.

Tính đến nay, ông Nưng bán được hơn 30 sản phẩm, tùy theo khách đặt hàng, giá một chiếc máy dao động từ 26 đến 28 triệu đồng. Khách hàng của ông ngoài ở tỉnh Sóc Trăng còn có ở những tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Hậu Giang. Ông Nưng cho biết: “Nếu thuê lao động để làm 3 công đoạn thì nông dân phải tốn khoảng 1.600.000 đồng/công, nhưng khi dùng máy chi phí giảm xuống còn gần 400.000 đồng/công. Tiết kiệm đến 3/4 chi phí nên bà con trồng mía ở đây rất thích”.

Không dừng lại ở đó, năm 2018, thầy giáo trường làng lại sáng chế máy cho tôm ăn và bán ra thị trường với giá 3.000.000 đồng/máy. Ông Nưng cho biết đang tiếp tục nghiên cứu chế tạo hệ thống quạt trong ao nuôi tôm chạy bằng sức nước không sử dụng điện.

Bên cạnh đó, ông Nưng còn có những sáng chế giúp cải tiến môi trường học tập, lao động của giáo viên, học sinh như: máy phát điện, mái che di động, xe quét rác... Đồng thời, ông còn là giáo viên gương mẫu, chuẩn mực, lối sống giản dị, chân thành được đồng nghiệp quý mến, học sinh kính trọng.

“Hồi còn là học sinh, tôi học rất giỏi môn kỹ thuật và có sở thích đặc biệt với chế tạo máy móc. Tôi cũng thường “tự chế” những món đồ sử dụng trong nhà nhưng không nghĩ mình lại làm ra sản phẩm được nhiều người quan tâm đến thế. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt công tác giảng dạy và dành thời gian, tâm huyết tiếp tục làm ra những sản phẩm phục vụ nhà trường, người nông dân” - ông Nưng chia sẻ.

Từ một thầy giáo dạy thể dục, kiến thức không liên quan nhưng ông Nguyễn Văn Nưng đã không ngừng tự học, phát huy tinh thần sáng tạo để làm ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Ông là một trong những điển hình tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương năm 2017 tại thủ đô Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đầu năm 2018.

Song Lê

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: