• Thi đua - Khen thưởng

Vượt khó làm giàu từ mô hình đa con

08/05/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/05/2017 | 09:00

STO - Lập nghiệp với 4 công đất ruộng do cha mẹ cho lúc ra riêng, vợ chồng chị Thạch Thị Thúi, ngụ ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa (Châu Thành) đã vận dụng tất cả kinh nghiệm vào việc sản xuất mô hình “đa con”, bước đầu đã cho thu nhập khá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo khó nay gia đình chị Thạch Thị Thúi đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nhà chị Thạch Thị Thúi, chị Thạch Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hòa giới thiệu sơ nét về nhân vật này. Bởi theo chị Linh, chị Thúi ngoài vai trò là một hội viên nhiệt tình tham gia vào các phong trào do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động, còn là tấm gương phụ nữ Khmer điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi thường được nêu gương tại các hội nghị tổng kết phong trào của địa phương để các hội viên khác học tập làm theo.

Gia đình chị Thạch Thị Thúi hồ hởi khoe đàn bò.

Trong buổi chiều nắng nóng của những ngày hè, ghé đến nhà chị Thúi hình như bao mệt mỏi và cái nóng oi bức dần tan biến, bởi chiếc quạt gió gắn trên trần nhà chạy liên tục, kèm với đó là ly trà đá giải nhiệt. Vừa gặp khách, chị Thúi nở nụ cười hiền lành, thân thiện đã làm cho khoảng cách xa lạ của những người lần đầu mới gặp trở nên thân tình hơn.

Tâm sự về quá trình khởi nghiệp đầy gian nan mới đạt “quả ngọt” như hôm nay, chị Thúi bộc bạch: “Tôi lập gia đình năm 2006, lúc ra riêng được cha mẹ cho 4 công đất làm ruộng. Cũng nhờ làm ruộng mà vợ chồng tôi dành dụm tiền để mua bầy vịt đẻ chạy đồng nên cuộc sống mới có nhiều khởi sắc. Lúc đầu, vợ chồng tôi chỉ nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ chạy đồng/vụ lúa/năm để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi thành công mới dần dần tăng đàn và hiện bình quân nuôi khoảng 3.000 con vịt đẻ chạy đồng/năm. Sau khi trừ hết các khoản chi phí thu về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng”.

Cũng theo chị Thúi, hiện nay, đàn vịt đẻ chạy đồng do chồng đảm nhiệm, chị ở nhà vừa chăm sóc con nhỏ vừa nuôi heo, gà để tăng thu nhập. Khi giá heo xuống thấp, gia đình chị chuyển hướng sang nuôi bò sinh sản do được Dự án Heifer tài trợ. Với 1 con bò cái được tài trợ ban đầu, qua 3 năm chăm sóc, đàn bò giờ nâng lên tổng số 3 con (trong đó có 2 con bò cái tơ và 1 bê). Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, chị Thúi tận dụng đất bờ kênh để trồng cỏ nên hạn chế phần nào việc đi cắt cỏ xa nhà.

Ngồi tiếp khách không lâu thì đàn dê lũ lượt ùa vào nhà, chị Thúi phải nhanh chân rượt đuổi chúng ra phía sau nhà. Chị Thúi chia sẻ: “Tôi nuôi dê mới được một năm nay, nhưng tính ra đã thu lợi nhuận lớn nếu bán vài con dê mình đã thu về số vốn bỏ ra đầu tư ban đầu”. Thấy đàn dê đã đi xa về phía cánh đồng, chị Thúi quay lại chỗ chúng tôi ngồi để tiếp tục câu chuyện đang dang dở.

Hớp ngụm trà đá, thả ánh mắt trông chừng đàn dê ở phía đồng sau nhà, chị Thúi tiếp lời: “Tôi nuôi dê cũng là một dịp tình cờ đi dự lớp tập huấn trồng trọt chăn nuôi. Trong quá trình dự tập huấn, vô tình tôi đọc được quyển tạp chí về nông nghiệp, trong đó có mô hình nuôi dê hiệu quả nên tôi quyết định tìm hiểu nơi bán dê trong tỉnh. Sau đó tôi quyết định mua 4 con dê cái nuôi thử và cũng từ quyển tạp chí trên tôi học một số kinh nghiệm cách nuôi dê. Đến trang trại mua dê, tôi được chủ trang trại hướng dẫn thêm cách chăm sóc nên đàn dê cứ thế lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sản tốt”.

Từ những kinh nghiệm học được, chị Thúi đã áp dụng vào thực tế trên đàn dê và chỉ sau một năm nuôi đã tăng đàn lên 14 con. “Dự định, tôi sẽ lựa chọn 10 con dê cái tốt nhất dành để làm giống và hướng đến việc thành lập trang trại nuôi dê với số lượng 60 con cái sinh sản nhằm bán dê con kể cả dê thịt để cung ứng ra thị trường. Đồng thời, tăng đàn bò lên 5 con cái sinh sản để bán bê và tiếp tục duy trì đàn vịt đẻ trứng 1.000 con/năm nhằm bảo đảm nguồn tiền sinh lợi nhuận cũng như áp dụng mô hình nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học. Tương lai không xa, tổng mức thu nhập của gia đình tôi sẽ lên con số vài trăm triệu đồng/năm là chuyện hiển nhiên”, chị Thúi tự tin cho biết thêm.

Không hài lòng với thành quả ban đầu đạt được, vợ chồng chị Thúi hiện còn thuê thêm 10 công đất để làm ruộng nhằm kiếm thêm thu nhập. Sau thời gian tích cóp, vợ chồng chị Thúi vừa xây xong ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi với giá trị gần 400 triệu đồng. 

Đánh giá về hội viên phụ nữ vượt khó Thạch Thị Thúi, chị Thạch Thị Mỹ Linh tự hào: “Hội viên Thạch Thị Thúi là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi để chị em noi theo. Ngoài nuôi bò, chị còn phát triển thêm việc nuôi dê sinh sản mang lại nguồn lợi nhuận tương đối khá. Từ thực tế mô hình nuôi vịt chạy đồng, bò, dê của chị Thúi, chúng tôi dự định sẽ tuyên truyền đến các hội viên để chị em học tập làm theo nhằm giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: