GÓC NHÌN KINH TẾ

Chia sẻ để phát triển bền vững

26/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/09/2017 | 06:00

STO - Không chỉ có vấn đề chất lượng con giống, vật tư đầu vào hay ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt mà còn có cả việc ít chịu chia sẻ kinh nghiệm, cách làm một cách minh bạch trong thành công lẫn thất bại của người nuôi làm cho nghề nuôi tôm nước lợ thiếu đi tính bền vững như mong đợi.

Đây được xem là cách tiếp cận mới được cả những người nuôi tôm lâu năm lẫn các nhà khoa học nhìn nhận sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển hiệu quả và bền vững của nghề nuôi tôm nước lợ. Chính việc thiếu chia sẻ và minh bạch cách làm, nên những mô hình thành công lẫn thất bại đều khó tổng kết, đánh giá tìm ra nguyên nhân để từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học tiếp cận, nâng lên thành quy trình, giải pháp cụ thể.

Những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm thật sự bổ ích cho cả người nuôi, nhà khoa học và nhà quản lý.

Có nhiều nguyên nhân làm cho người nuôi tôm ngại chia sẻ về thành công hay thất bại của mình, kể cả người nuôi nhỏ lẻ lẫn các trang trại lớn. Đó một phần là do căn bệnh sĩ (sĩ diện) sợ khi nói ra thất bại mọi người cười chê và cũng sợ cả đại lý hay ngân hàng ngại đầu tư trong vụ tới. Và đó cũng còn là tâm lý “không muốn người khác hơn mình”, là tâm lý lo sợ giá tôm sẽ sụt giảm khi tất cả đều trúng tôm… Ngay cả giới báo chí bây giờ cũng hay than phiền việc muốn tiếp cận với một mô hình thành công hay thất bại để phản ánh tình hình vụ nuôi là rất khó khăn, nếu không là người quen cũ hay được người có uy tín giới thiệu.

Việc ngại chia sẻ thông tin khiến ngay cả người nuôi cũng không sao đúc kết được vì sao lại thành công hoặc vì sao lại thất bại, dù vẫn là cách làm đó, mô hình đó. Điều đó cho thấy, việc tìm kiếm, áp dụng các mô hình, kỹ thuật nuôi vừa qua của người nuôi chủ yếu chỉ mới dừng lại ở cấp độ bắt chước (thấy người ta làm sao, mình làm vậy), chứ chưa thật sự là đi học, bởi theo ông Võ Quan Huy – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, nếu đã là đi học thì phải có chia sẻ, trao đổi thậm chí là tranh luận từ những cách làm thành công cho đến những thất bại.

Đối với một nghề mang tính cộng đồng cao như nghề nuôi tôm nước lợ, mỗi một mô hình thành công hay thất bại đều có một giá trị riêng và giá trị đó sẽ còn lớn hơn nữa nếu được chia sẻ một cách công khai, minh bạch. Khi được chia sẻ, nông dân sẽ hiểu thêm được thành công hay thất bại của mình đến từ đâu và mình sẽ phải làm gì trong những vụ tiếp theo để có được thành công nhiều hơn. Sự chia sẻ đó còn giúp cho nhà quản lý nắm bắt được các vấn đề phát sinh trong sản xuất, nhà khoa học kịp thời có thông tin để điều chỉnh, hoặc nghiên cứu bổ sung thêm để hoàn thiện dần quy trình sản xuất.

Trong bối cảnh nghề nuôi tôm ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ thiên tai, dịch bệnh, từ các quy định nghiêm ngặt của thị trường… rất cần có sự thay đổi lớn từ nghề nuôi. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thành Trí đã từng nói: “Chúng ta đã xác định nuôi tôm là một nghề thì phải làm sao cho nghề nuôi tôm được hiệu quả và bền vững, chứ không thể bấp bênh mãi được. Do đó, nghề nuôi tôm cần có sự thay đổi mới có thể phát triển hiệu quả và bền vững”. Và, sự thay đổi đó không chỉ đến từ mô hình hay quy trình canh tác mà còn chính từ trong suy nghĩ và hành động của người nuôi.

Chia sẻ một cách làm hay, một mô hình hiệu quả là việc làm thiết thực nhất vì sự phát triển của cộng đồng và nghề nuôi; nói ra những thất bại để mọi người cùng rút kinh nghiệm nhằm giảm bớt thiệt hại là cách để nghề nuôi không bị thụt lùi, người nuôi bớt khó khăn. Đó còn là sự kích thích các nhà khoa học tìm tòi, sáng tạo các phát minh khoa học công nghệ mới ứng dụng vào nghề nuôi một cách hiệu quả hơn. Và đó cũng là cách để tất cả nông dân nuôi tôm đều là những nhà khoa học trên chính những vuông tôm của mình.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: