Dùng chế phẩm sinh học chăm quýt đường cho năng suất cao

20/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/05/2019 | 06:00

STO - Kế Sách được xem là “thủ phủ” của nhiều loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao của tỉnh, như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa, nhãn, chôm chôm, sầu riêng… Ngoài ra, địa phương này còn trồng quýt đường, loại cây ăn trái được thị trường rất ưa chuộng. Như ông Trịnh Ngọc Thảo, ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ đã cải tạo vườn cây ăn trái kém hiệu quả để trồng chuyên canh quýt đường, bước đầu đã đem về nguồn thu nhập khá tốt.

Những ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm đến gia đình ông Thảo để tận mắt ngắm nhìn vườn quýt trĩu cành. Sau vài cơn mưa đầu mùa, vườn cây tươi mới hơn, từng chùm quýt đang độ thu trái căng bóng gần bằng cái chén ăn cơm, còn cành lá của cây xanh tốt. Ông Thảo bộc bạch: “Phía dưới chân gốc quýt đường này có một vài loại rau dại mọc xanh tốt nhằm giữ ẩm cho cây và nước dùng để tưới cây được lắp đặt bằng hệ thống giàn phun tưới tự động, chỉ cần bật công tắc điện cả vườn quýt sẽ được cung cấp đầy đủ nước trong vòng 10 phút - 15 phút”.

Ông Trịnh Ngọc Thảo, ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) bên vườn quýt trồng theo biện pháp an toàn sinh học.

Đưa tay hái bỏ những trái quýt non trên cành, thấy khách có vẻ ngạc nhiên, ông Thảo giải thích: “Sở dĩ tôi tuyển bỏ một số trái như thế là giúp cây có sức khỏe tốt, nuôi trái, bởi nếu trên một cây có quá nhiều trái thì tất cả các trái sẽ không được to, không đạt chuẩn loại 1. Thêm vào đó cây cũng bị mất sức vì phải chịu áp lực nuôi số lượng lớn trái, kéo theo đó sẽ làm cây giảm tuổi thọ”.

Nghe ông Thảo chia sẻ, mới thấy vườn cây của ông trái không quá nhiều nhưng hầu hết trái có độ lớn đồng đều. “Tổng diện tích vườn quýt của tôi là 1ha, tính đến nay thu hoạch trái chưa đến 2 năm nhưng bước đầu đã thu về lợi nhuận khá. Tôi bắt đầu trồng quýt đường vào năm 2015 đến cuối năm 2017 thu hoạch trái. Chỉ trong năm 2018, tổng sản lượng trái đạt 12 tấn, trừ chi phí lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Còn thời điểm từ đầu năm 2019 đến hiện tại, tôi đã thu hoạch khoảng 6 tấn trái, giá bán giữ ở mức ổn định 30.000 đồng/kg và dự kiến hết năm sản lượng thu về tầm 15 tấn trái. So với một số loại cây ăn trái khác thì quýt cho thu nhập tốt hơn, nhưng công chăm sóc cực bởi quýt mỗi đợt ra lá non các loại sâu hại liên tục cắn phá lá, canh tới khi quýt ra đợt lá mới phải phun thuốc phòng ngừa. Thuốc tôi dùng cho cây quýt hầu hết là các chế phẩm sinh học, tuyệt đối tôi không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học” - ông Thảo chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Thảo, chính nhờ dùng biện pháp sinh học trong canh tác nên đã giúp cây quýt có sức đề kháng tốt; đồng thời đất tơi xốp, màu mỡ, bộ rễ ăn sâu vào đất, cây phát triển xanh tốt. Hái trái quýt đường mời khách dùng thử, ông Thảo hồ hởi thông tin thêm: “Có thể nói, việc chuyển đổi cây ổi sang cây quýt đường là thành công lớn của tôi và cũng nhờ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện đặc biệt là trưởng trạm đã nhiệt tình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để vườn quýt của tôi đạt năng suất, chất lượng. Tôi dự định vẫn duy trì tốt mô hình trồng quýt bằng biện pháp sinh học để đảm bảo sức khỏe bản thân và cung cấp trái quýt sạch cho người dùng, đảm bảo an toàn sức khỏe của họ”.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách Nguyễn Hoàng Nhu cho biết: “Mô hình trồng quýt sử dụng các chế phẩm sinh học và các loại thuốc vi sinh được đơn vị triển khai lần đầu tại hộ ông Trịnh Ngọc Thảo. Qua gần 4 năm theo dõi, vườn cây lúc mới cải tạo và xuống giống cây cho đến thu hoạch, đơn vị đã luôn theo sát để hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật giúp cho ông Thảo. Bước đầu cho thấy mô hình rất thành công, bởi năng suất, chất lượng trái rất tốt, đặc biệt khi áp dụng mô hình vườn quýt không bị bệnh vàng lá, bởi bệnh vàng lá trên cây có múi là bệnh nguy hiểm khó điều trị nhưng khi áp dụng quy trình kỹ thuật và dùng các chế phẩm sinh học, vườn quýt phát triển xanh tốt, năng suất cao hơn so cách trồng thông thường là 15%”. 

Cũng theo đồng chí Nhu, có thể so sánh trồng quýt theo phương pháp thông thường cho năng suất ước từ 30 tấn đến 40 tấn trái/ha/năm; còn quýt trong mô hình sẽ tăng thêm sản lượng 15%. Tới đây, Trạm Khuyến nông huyện sẽ nhân rộng mô hình cho người dân canh tác vườn, nhằm đảm bảo năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe cộng đồng khi dùng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: