Giải pháp cách tính giá trong khâu thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa

09/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 09/12/2017 | 06:00

STO - Việc tăng cường đưa cơ giới vào thu hoạch lúa sẽ giúp nông dân giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ, tạo sự chủ động trong việc triển khai sản xuất các mùa trong năm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cần có biện pháp giải quyết để hướng đến nền nông nghiệp lớn, mang tính hiệu quả hơn.

Theo báo cáo của Dự án “Cơ giới hóa khâu thu hoạch trong sản xuất lúa trên địa bàn của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”, thì từ trước năm 2010, việc ứng dụng cơ giới hóa trên toàn tỉnh chỉ làm tốt ở các khâu làm đất, bơm nước, tuốt lúa… còn khâu thu hoạch bằng cơ giới chỉ chiếm 55% diện tích gieo trồng. Việc thu hoạch lúa bằng phương pháp thủ công với chi phí sản xuất cao làm giảm lợi nhuận, tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch từ 12% đến 14%; riêng 3 công đoạn gồm: cắt, gom, tuốt đã gây thất thoát trung bình 5,1%.

Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở Sóc Trăng.

Theo tính toán, nếu được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thì tỷ lệ hao hụt chỉ còn khoảng 2%, giảm được 3,1% so với thu hoạch thủ công. Việc giảm hao hụt được 3,1% thì sản lượng lúa Sóc Trăng theo diện tích gieo trồng hàng năm tăng thêm được hơn 48.627 tấn lúa/năm (bình quân tăng được hơn 170kg/ha/vụ); nông hộ cũng giảm chi phí thu hoạch được khoảng 1,5 triệu đồng/ha so với thuê lao động thủ công. Tính đến nay, diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ước đạt 98% diện tích lúa toàn tỉnh. Đây là một thành công lớn trong việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa nói riêng và trong nông nghiệp nói chung.

Hiệu quả của cơ giới hóa thu hoạch là thế, nhưng cũng từ thực trạng cơ giới hóa đó lại xuất hiện nhiều yếu tố bất cập, khó khăn mới, cản trở đến việc phát huy tính hiệu quả hơn nữa trong khâu này. Cản trở đó là vấn đề “cơ chế cách tính giá cả thu hoạch lúa”. Theo đó, hiện nay, giá thu hoạch lúa được tính phổ biến là theo diện tích. Với cơ chế tính giá thu hoạch theo diện tích thì người trồng lúa dễ có tâm lý phản ánh thiếu trung thực về diện tích thửa ruộng của mình để giảm bớt được chi phí thu hoạch, có lợi cho mình nhưng thiệt thòi cho chủ máy.

Ví dụ, với diện tích 10 công, thì họ thường chỉ nói là 9 công, thậm chí thấp hơn. Do thu hoạch với số lượng nhiều nên chủ máy cũng không thể nào thực hiện việc đo đạc lại diện tích đã thu hoạch. Đây là điểm “hở” có thể dẫn đến tâm lý thiếu trung thực của người trồng lúa. Sự thiếu trung thực này chỉ có lợi cho người này nhưng thiệt cho người khác và trở thành thói quen tiêu cực, thiếu sự tin tưởng nhau trong sản xuất.

Tuy nhiên, sự thiếu trung thực chỉ là điều kiện mà người viết viện dẫn để tìm ra biện pháp, cơ chế tính giá thu hoạch lúa linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và nhất là không để sự thiếu trung thực tồn tại. Đó là cơ chế giá thu hoạch tính theo sản lượng thay vì diện tích. Giả định với năng suất bình quân của cây lúa tỉnh Sóc Trăng là 59 tạ/ha (5,9 tạ/công) và giá thu hoạch 250.000 đồng/công như hiện nay, chúng ta có thể quy chiếu năng suất bình quân và giá cả này là giá bình quân để thu hoạch cho tất cả các diện tích có năng suất khác nhau.

Như vậy, với giá thu hoạch bình quân 250.000 đồng/công/5,9 tạ (590 kg/công), thì mỗi kilôgam lúa thu hoạch phải chi phí là 423,7 đồng, tức 42.370 đồng/100 kg. Với giá cả thu hoạch tính theo sản lượng lúa thì bất kể diện tích là bao nhiêu, cứ lấy năng suất bình quân và giá cả thu hoạch bình quân trên diện tích hiện có để quy chiếu cho tất cả các diện tích có năng suất khác nhau. Theo cách tính này, người chủ đất không thể phản ánh thiếu trung thực về diện tích, chỉ có thể phản ánh thiếu trung thực về sản lượng. Nhưng sản lượng là cái mà người chủ máy cắt dễ đo đạc hơn diện tích.

Thực tế hiện nay tuyệt đại đa số lúa sau khi thu hoạch xong là bán ngay cho thương lái thu mua lúa tại ruộng, việc đo đạc như vậy đã có thương lái làm, người chủ đất và người chủ máy chỉ cần nắm con số sản lượng thu hoạch được thực hiện trong mua bán lúa là xong, không thể xuất hiện trường hợp thiếu trung thực ở đây. Và như vậy, người có lúa, bao nhiêu sản lượng, bán được bao nhiêu tiền thì cũng trả chi phí thu hoạch lúa theo sản lượng tương xứng cho chủ máy cắt.

Một nền nông nghiệp mới có thể đạt tới ngưỡng sản xuất lớn và hiện đại nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ do chính cơ chế của chính sách hạn điền mà ra, đó là chính sách hạn điền về thời gian và diện tích, thì đó là điều không hợp lý. Theo Luật Đất đai 2013, mỗi hộ gia đình, cá nhân thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long được giao đất nông nghiệp là không quá 3ha và thời hạn không quá 50 năm, thì với chính sách này, đất nông nghiệp vẫn là manh mún, nhỏ lẻ trong các hộ gia đình và cá nhân, không thể trở thành một nền sản xuất lớn và hiện đại.

Với thực trạng hơn 75% nông hộ có diện tích ruộng đất dưới 0,5ha ở nước ta hay ở Sóc Trăng như hiện nay thì phần lớn những nông hộ đó không thể thoát nghèo nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, giải pháp tích tụ ruộng đất để phát triển một nền nông nghiệp lớn và hiện đại, hiệu quả trong các khâu mà bài viết đề cập là khâu thu hoạch, thì phải có một cơ chế hợp lý, cần “cởi trói” chính sách vì thời cuộc yêu cầu. Vì mọi chính sách dù tốt đến đâu cũng chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định, hoàn cảnh lịch sử nhất định. Tư duy không theo kịp nhịp tiến của thời cuộc tất yếu sẽ tạo ra lực cản đối với sự phát triển của xã hội.

Tóm lại, tỉnh Sóc Trăng trong nhiều năm qua cũng đã chủ trương phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả; và thật sự đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Nhưng trước những bất cập, vướng mắc mà người viết đã đề cập và đề xuất giải pháp giải quyết, hy vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn để phát triển nông nghiệp lớn và hiệu quả của tỉnh nhà.

Phạm Chánh Tông (Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: