Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi

10/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/08/2018 | 06:00

STO - Để đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, góp phần nâng cao giá trị và tạo thành mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm thì việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là một trong những vấn đề mà ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện và ngành nông nghiệp cũng triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để nuôi gia súc, gia cầm rất hiệu quả.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn toàn tỉnh có gần 332.000 con (trong đó, đàn bò có gần 50.000 con), còn lại là đàn gia cầm nuôi theo hình thức công nghiệp và chăn thả ngoài tự nhiên.

Để đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, góp phần nâng cao giá trị và tạo thành mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm thì việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là một trong những vấn đề mà ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã và đang triển khai thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng triển khai nhiều mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học để nuôi gia súc, gia cầm rất hiệu quả. Để lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định tại hộ gia đình, các ngành liên quan và người dân cần áp dụng các giải pháp mà Viện Chăn nuôi hoạch định trong thời gian tới cũng đồng nghĩa với việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi mang tính chiến lược.

Nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao vào nuôi gà bằng hệ thống giàn lạnh 24/24h.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu một số giải pháp cho ngành chăn nuôi, như: cần phải quy hoạch cụ thể từng vùng gắn với nghiên cứu thị trường nhằm đảm bảo tính khả thi và khi quy hoạch nên tuân thủ đúng theo quy hoạch, từng bước hạn chế việc sản xuất theo phong trào tự phát dẫn đến tình trạng “được mùa rớt giá”. Đồng thời, để lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, ổn định và có chiều sâu thì cũng cần rà soát quy hoạch lại đất đai. Theo đó, cần quy định rõ vùng khuyến khích chăn nuôi, vùng hạn chế chăn nuôi và vùng cấm chăn nuôi hoàn toàn, kể cả quy hoạch không gian, định hướng quy hoạch sản phẩm ngành hàng cho từng vùng và liên vùng, tránh sự phát triển quá nóng về quy mô đầu con và quá sức chịu tải về môi trường, ngành chức năng liên quan kiên quyết không để chăn nuôi tự phát như thời gian qua. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm địa phương có lợi thế, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, coi việc truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu.

Còn tiến sĩ Phạm Sỹ Tiệp - Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Chăn nuôi) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là yếu tố quyết định để có sản phẩm chất lượng. Do đó, cần rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với việc ứng dụng công nghệ cao và có sự sửa đổi chính sách liên kết sản xuất nông sản theo hợp đồng, xây dựng các chính sách liên kết đủ mạnh để giải quyết vấn đề phá vỡ hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà và không dám đầu tư lâu dài vào lĩnh vực này nên Nhà nước cần đóng vai trò trung gian điều phối, trọng tài, tăng lòng tin cho các bên tham gia liên kết. Ngoài ra, cần đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới thủ tục hành chính trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng gọn nhẹ, gắn với sản phẩm đầu ra, tạo điều kiện cho các nhà khoa học và có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học. Qua đó, khi thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và có sự phân kỳ đầu tư, tạo tiền đề tích lũy kinh nghiệm, tài chính và công nghệ để nhân rộng mô hình và khi phát triển thành công các mô hình ứng dụng công nghệ cao sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao giá trị gia tăng cho người sản xuất, hướng tới phát huy tiềm năng lợi thế của sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại và thích ứng các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, để có sản phẩm chăn nuôi đạt chất lượng cao, tất cả các khâu từ chăn nuôi, chế biến, giết mổ và lưu thông phân phối đều phải bảo đảm quy trình và có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt, trứng để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn. Để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm nên sớm xây dựng chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thịt từ khâu giống - chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

“Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp cũng như cơ cấu lại chất lượng đàn giống, thực hiện các phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến tiêu thụ… là những giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững” - tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: