Khoa học - chìa khóa tương lai

30/05/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 30/05/2017 | 06:00

STO - Việc áp dụng rộng rãi những thành tựu khoa học vào thực tiễn sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giảm chi phí sản xuất, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm.

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một nâng lên. Theo đó, nhiều yếu tố tác động bởi tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đòi hỏi con người cần có sự đổi mới về tư duy trong thời đại mới. Trước kia, việc thu hoạch các loại nông sản chủ yếu làm bằng thủ công, giờ đã chuyển sang bằng các loại máy chuyên dụng và những chiếc máy đó chính là sản phẩm được chế tạo thành công từ các đề tài nghiên cứu khoa học.

Đó chỉ là một khía cạnh nhỏ trong việc thực hiện các ứng dụng khoa học vào thực tiễn đời sống và còn rất nhiều các nghiên cứu chế tạo sản phẩm khoa học phục vụ hầu hết tất cả các lĩnh vực mà thành tựu khoa học mang lại cho con người.

Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh về cây lúa, cùng với đó tỉnh cũng có một số loại nông sản mang nét đặc trưng riêng của các địa phương, như: gạo Tài nguyên Thạnh Trị, hành tím Vĩnh Châu, bưởi Năm roi, bưởi da xanh Kế Sách... được xem là điểm nhấn của tỉnh về sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều diện tích đất nuôi tôm thẻ, tôm sú và có biển để ngư dân đánh bắt thủy, hải sản.

Với các loại sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, việc bảo quản là cả một vấn đề lớn của người nông dân; chẳng hạn như giống lúa Tài nguyên Thạnh Trị nếu không nhờ vào việc phục tráng lai tạo giống lúa nguyên trạng gốc ban đầu thì khó làm nên nhãn hiệu “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”, tất cả nhờ vào sự ứng dụng khoa học của các nhà khoa học có kinh nghiệm.

PGS. TS Nguyễn Minh Thủy - Trường Đại học Cần Thơ giới thiệu sản phẩm từ củ hành tím được bà nghiên cứu thực hiện thành công.

Riêng hành tím Vĩnh Châu, loại cây trồng gắn bó lâu đời cùng người dân xứ biển và được xem là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” của bà con, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc. Chính vì vậy, để bảo quản tốt loại sản phẩm này, sau thu hoạch và tiêu thụ hành là một vấn đề nan giải đối với người trồng cũng như các ngành chức năng tại địa phương, cần đến sự tiếp sức từ các nhà khoa học nghiên cứu tạo nên sản phẩm hành đa dạng về chủng loại nhằm phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh việc bảo quản, cần có sự khai thác tốt tiềm năng của loại “gia vị đặc biệt” này, bài toán trên sắp được giải khi Đề tài “Nghiên cứu mô hình chế biến một số sản phẩm từ hành tím an toàn và bảo đảm khả năng tiêu thụ” do PGS. TS Nguyễn Minh Thủy - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đi hơn nửa chặng đường đã và đang đem lại kết quả ban đầu mang nhiều tính đột phá. 

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Thủy, hành tím là loại thức ăn phổ biến, giàu chất dinh dưỡng, kết hợp với việc điều trị và phòng ngừa một số bệnh. Chất chiết xuất từ củ hành tím giàu hợp chất phenolic, hoạt động như chất chống gây đột biến, chống ung thư, chống loét, chống co thắt, ngăn ngừa và điều trị bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, hành tím còn giàu chất chống oxy hóa và được xếp hạng cao nhất so với các loại rau, quả khác là thành phần tốt đối với người cao huyết áp...

Với những lợi ích tuyệt vời từ củ hành tím mang lại cho sức khỏe con người, nhưng hành tím sau thu hoạch thường rất khó bảo quản, dễ hư hỏng ở điều kiện nhiệt độ thường. Hơn nữa, hầu hết hành tím sau thu hoạch đều bán dạng thô nên giá trị tăng thêm không có. Vì vậy, để thu nhập của người dân từ việc bán hành tăng lên cần chuyển sang dạng sản phẩm chế biến với chất lượng cao và khả năng bảo quản lâu dài. Đồng thời, khuynh hướng của người tiêu dùng không chỉ quan tâm bề ngoài nguyên liệu mà quan tâm nhiều đến chất lượng, như: màu sắc, mùi vị và hợp chất giá trị sinh học trong thực phẩm… 

PGS. TS Nguyễn Minh Thủy cho biết: “Từ những nhận định ban đầu đó, chúng tôi đã nghiên cứu, chế biến củ hành tím thành nhiều sản phẩm mới được thực hiện một phần dựa vào các quy trình chế biến cổ truyền và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, bao gồm: biện pháp sinh học, hóa học... với mục tiêu chủ yếu là tạo ra sản phẩm có giá trị chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như duy trì hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học quý trong củ hành tím, bảo vệ màu sắc đẹp nhất của sản phẩm sau chế biến”. 

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Minh Thủy, qua quá trình nghiên cứu, đã tạo ra được một số sản phẩm từ củ hành tím, như: hành tím chiên chân không (hành phi), nước uống từ hành tím, bột hành tím sấy, hành tím sấy thăng hoa dạng củ và lát, hành tím chế biến giảm thiểu (dạng tươi - chuẩn bị sẵn), chutney hành tím và hành tím muối/ngâm chua”…

PGS. TS Nguyễn Minh Thủy “hiến kế”: “Để đảm bảo khả năng tiêu thụ các sản phẩm từ hành tím, cần tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và các sản phẩm chế biến đa dạng từ củ hành tím cần chuẩn bị tốt nhằm thâm nhập thị trường, đảm bảo nguồn cung cho xã hội và sản phẩm, thực phẩm an toàn, đạt chất lượng cao. Điều quan trọng nhất quyết định sự thành công của sản phẩm chính là sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban ngành các cấp cùng sự tin tưởng của người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Bên cạnh Đề tài “Nghiên cứu mô hình chế biến một số sản phẩm từ hành tím an toàn và bảo đảm khả năng tiêu thụ”, Đề tài “Chuyển giao công nghệ sản xuất mứt dẻo vỏ bưởi sấy thẩm thấu chân không” do tiến sĩ Nguyễn Văn Chung - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu chuyển giao cho một công ty thực phẩm ở Bình Dương sản xuất mứt từ vỏ bưởi được khá nhiều người dân, nhất là bà con trồng bưởi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm. Vì hiện tại, bưởi được trồng với diện tích khá lớn và tập trung nhiều ở các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Châu Thành… Đồng thời, vỏ bưởi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người, như: giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, men gan cao… Từ công nghệ trên, bưởi được dùng tạo ra 2 sản phẩm, gồm: vỏ bưởi dùng làm mứt, còn ruột bưởi dùng làm nước ép đóng chai.

Thạc sĩ Đặng Hoàng Anh Tuấn - Trung tâm Công nghệ Vật liệu (Viện ứng dụng công nghệ Bộ KH - CN) cho rằng: “Mục tiêu của các nhà khoa học là nghiên cứu tạo nên sản phẩm chất lượng cao, đủ tầm trong khu vực và thế giới. Do vậy, đội ngũ các nhà khoa học mong muốn sản phẩm trí tuệ được các doanh nghiệp đón nhận và mong muốn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: