Kỳ vọng vào dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

30/04/2017 05:55 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 30/04/2017 | 05:55

STO - Trong những năm gần đây, thị trường nông sản trong nước và thế giới ngày càng bất ổn; nền nông nghiệp Việt Nam manh mún, tự phát làm cho nông dân rơi vào vòng lẫn quẫn “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được cảnh báo bị tác động bởi biến đổi khí hậu nghiêm trọng, cho nên Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) ra đời như một giải pháp hiệu quả, cứu cánh cho nền nông nghiệp.

Mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngày 9-7-2015, hiệp định tài trợ giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam được ký kết, trong đó Dự án VnSAT có hiệu số CR.5704-VN, với tổng vốn theo tiền Việt Nam là 6.472 tỉ đồng, gồm: 5.100 tỉ đồng vốn vay từ WB; 619 tỉ đồng vốn vay đối ứng với Chính phủ và 752 tỉ đồng từ vốn tư nhân bỏ ra.

Giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng sản phẩm và giảm tác động môi trường là mục tiêu của dự án.

Dự án VnSAT được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020, ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên. Cụ thể, dự án sẽ triển khai trên 8 tỉnh/thành phố ĐBSCL, gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và 5 tỉnh ở Tây Nguyên, gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê.

Cụ thể, sẽ tăng 30% lợi nhuận cho nông dân trên mỗi hécta canh tác và có hơn 200.000 hộ nông dân được tiếp cận kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; về môi trường sẽ giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) và “1 phải, 5 giảm” (1P5G). Đồng thời, tăng cường năng lực thể chế của ngành nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước nói chung và các địa phương thực hiện dự án nói riêng.

Khởi động dự án

Cuối năm 2015, sau khi hiệp định tài trợ giữa WB và Chính phủ Việt Nam được ký kết, VnSAT khởi động dự án tại 13 tỉnh/thành trong cả nước. Sóc Trăng chính thức khởi động Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) tại hội trường Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng. VnSAT-ST ra mắt ban lãnh đạo và các thành viên trong ngày khởi động dưới sự chứng kiến của hơn 150 khách mời là đại biểu các cơ quan, ban ngành các cấp, các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh và đại diện nông dân ở huyện vùng dự án.

Lớp tập huấn nông dân (TOF) về kỹ thuật sản xuất lúa 3G3T. 

Theo đó, VnSAT-ST được triển khai thực hiện từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn 26 xã thuộc 5 huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành và Thạnh Trị, với tổng nguồn vốn trên 316,6 tỉ đồng; trong đó, trên 196,3 tỉ đồng vốn vay từ WB, trên 50,5 tỉ đồng vốn vay đối ứng với Chính phủ và trên 69,8 tỉ đồng từ vốn tư nhân. Phó Giám đốc VnSAT-ST Huỳnh Văn Những cho biết: “Mục tiêu bước đầu của dự án phấn đấu có 100% hộ trồng lúa trong vùng dự án được tập huấn 3G3T và 1P5G, trong đó có khoảng 80% hộ áp dụng 3G3T và trong số này có 50% hộ áp dụng 1P5G. Sau đó, củng cố và thành lập mới 26 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), qua đó sẽ chọn 20 HTX tiên tiến áp dụng tốt 3G3T và 1P5G, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, được hỗ trợ thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, làm dịch vụ và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp”.

Cũng theo Phó Giám đốc VnSAT-ST Huỳnh Văn Những, dự án sẽ xem xét hỗ trợ các khoản vay trung và dài hạn cho các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và cơ sở chế biến để nâng cao giá trị và chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Việc thực hiện dự án cũng góp phần giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa gạo.

Để chuẩn bị cho công tác triển khai các hoạt động, VnSAT-ST mở lớp tập huấn cho giảng viên (TOT) và ký hợp đồng trách nhiệm với 3 đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, gồm: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng và Chi cục Bảo vệ thực vật để tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con; đồng thời, tiến hành tập huấn kỹ thuật 3G3T (TOF) cho nông dân các xã vùng dự án ngay trong năm khởi động.

Kỳ vọng thay đổi

Cánh đồng mẫu áp dụng tốt 3G3T. Ảnh: PA

Cán bộ kỹ thuật VnSAT-ST Võ Quốc Trung cho biết: “Đây là dự án nông nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Mục tiêu có tất cả các hộ trồng lúa trong vùng được tập huấn 3G3T; sẽ tiến hành củng cố và thành lập mới các HTX và THT, qua đó sẽ chọn được nhiều HTX có áp dụng tốt 3G3T để đầu tư máy móc trang thiết bị. Đồng thời, giảm tác động xấu đến môi trường bằng các hoạt động tưới tiết kiệm nước, giảm giống và giảm thuốc bảo vệ thực vật”.

Chia sẻ về mục tiêu mong đợi sau khi kết thúc dự án, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân, kiêm Giám đốc VnSAT-ST cho biết: “Mong muốn nông dân vùng dự án thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang phương thức canh tác tiên tiến, áp dụng kỹ thuật 3G3T và 1P5G làm giảm chi phí đầu tư, tăng chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định và giảm tác động môi trường; hình thành các vùng kinh tế hợp tác - HTX ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và các doanh nghiệp có cơ hội nâng cấp trang thiết bị góp phần tăng giá trị ngành hàng lúa gạo cho địa phương”.

Xuân Thư

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: