Mô hình bảo quản thủy, hải sản hiệu quả

30/03/2017 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/03/2017 | 08:00

STO - Từ những chính sách hỗ trợ hợp lý của tỉnh, số lượng tàu đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn Sóc Trăng ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm lại chưa được ngư dân quan tâm đầu tư, phần nào làm giảm giá trị sản phẩm. Trong đó, đối với mô hình bảo quản để thủy sản còn tươi sống sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, rất cần được bà con ngư dân quan tâm đầu tư.

Những năm gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu thuyền khai thác xa bờ. Nhờ chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắtW, ngư dân chịu khó bám biển dài ngày nên sản lượng hải sản ngày một tăng. Thế nhưng, công nghệ bảo quản chưa được chú trọng nên giá trị sản phẩm sau khai thác đạt thấp, tỷ lệ hao hụt cao.

Ngư dân bảo quản cá sống sẽ hạn chế được nhiều chi phí nhân công.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh có khoảng 17 chiếc tàu dịch vụ chuyên dụng để chuyên chở cá đánh bắt được từ ngoài biển vào đất liền để tiêu thụ nhanh chóng, nhưng để tiện lợi, bà con ngư dân Trần Đề thường trang bị trên tàu của mình hai loại hầm bảo quản. Trong các đợt thủy, hải sản đánh bắt được, ngư dân trên tàu sẽ lựa ra những loại nào đã chết để trữ vào hầm có chứa đá xay, còn lại sẽ thả vào hầm chứa nước biển có chạy quạt oxy để bảo quản cho cá còn sống cho đến khi vào bờ tiêu thụ.

Theo chia sẻ của ngư dân Nguyễn Văn Duy ở thị trấn Trần Đề (Trần Đề), tàu của anh có thể đánh bắt xa bờ tối đa khoảng 200 hải lý, nhưng do điều kiện bảo quản thủy, hải sản không tốt nên thường đánh bắt không hết khả năng tàu. Mỗi chuyến biển kéo dài từ 5 - 7 ngày, nên khi về đến bờ, hơn 60% lượng hải sản bị chê là chất lượng kém, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp. Mặt khác, nếu có thể bảo quản cá còn tươi sống, sẽ rất dễ tiêu thụ, bán được giá cao.  

Anh Duy cho biết: “Trong mùa cao điểm đánh bắt khoảng tháng 9 – 12, số lượng đánh bắt mỗi chuyến rất nhiều, mỗi lần khoảng 3 tấn cá được bảo quản tươi sống, còn lại những mẻ lưới nào cá chết thì mình mới ướp với đá. Cá vào bờ còn sống sẽ bán được giá gấp đôi so với cá ướp đá, tuy có khó hơn nhưng sẽ có thu nhập hơn”.

Do đó, các chủ tàu cần phải có đầu tư nâng cấp trang thiết bị bảo quản cá sống đạt chuẩn để bù đắp những chi phí về ngư cụ, dầu nhớt, nước đá… Bên cạnh đó, việc trang bị những kiến thức cần thiết về chất lượng thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng, không chỉ nâng cao ý thức cho chủ tàu mà còn góp phần giảm tổn thất sau khai thác cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Năm 2016, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã triển khai chủ trương hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, đến nay đã có Quyết định UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 7 chuyến biển trên tổng 10 chuyến (đợt 1); phối hợp công ty bảo hiểm tiếp tục vận động chủ tàu tham gia bảo hiểm theo Nghị định số 67, đến nay đã hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cho 129 tàu cá với gần 1.600 tỉ đồng, bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 1.500 thuyền với số tiền hỗ trợ là 459 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong năm đã cấp 256 giấy chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu, với khối lượng 11.885 tấn.

Thực hiện chuyên mục khuyến nông “Nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác thông qua việc quản lý an toàn thực phẩm trên tàu cá”, tuyên truyền các kiến thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an toàn thực phẩm cho ngư dân, nhằm từng bước nâng cao chất lượng hải sản khai thác của tỉnh.

Ông Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Hiện nay tỉnh Sóc Trăng đang khuyến khích phát triển mô hình bảo quản cá sống, mô hình này dựa trên tàu khai thác ngắn ngày, cá được bảo quản trong hầm có chạy ôxy, giúp giữ được chất lượng cá. Mô hình này không chỉ tăng thu nhập cho ngư dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng thủy, hải sản Sóc Trăng ngày một cao hơn”.

Theo báo cáo, năm 2016, bà con ngư dân Sóc Trăng đánh bắt được trên 65.800 tấn thủy, hải sản, đạt 104,47% kế hoạch, tăng 4,96% so với năm 2015. Lượng thủy sản này được bảo quản đúng cách, và còn tươi sống sẽ đem lại thu nhập rất cao cho ngư dân. Qua đó, nếu các hình thức bảo quản trên tàu đánh bắt được đầu tư chu đáo, đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng thời gian bám biển của ngư dân, giảm chi phí nhiên liệu mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được bảo quản đạt chuẩn, góp phần cung cấp nhu cầu về thực phẩm cho xã hội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngọc Khuê

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: