Thiết lập môi trường kinh doanh thông qua thương mại điện tử an toàn

21/11/2019 14:33 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/11/2019 | 14:33

STO - Thương mại điện tử (TMĐT) về cơ bản là việc ứng dụng các phương tiện điện tử vào hoạt động kinh doanh, thương mại. Hiện nay, mạng lưới internet phát triển và phổ cập rộng rãi, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển và mang lại cho chủ thể kinh doanh những giá trị và lợi ích to lớn.

Trước những lợi ích to lớn và độ phổ biến của TMĐT thì hiện nay, TMĐT đã trở thành công cụ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, lợi ích mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp đó là việc quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp. Với khả năng kết nối internet hiện nay, doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa thông tin quảng cáo đến hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính chi trả cho việc quảng bá mà doanh nghiệp cần có kế hoạch quảng cáo cho phù hợp.

Ngành Công thương Sóc Trăng tổ chức lớp tập huấn “TMĐT trong bối cảnh nền kinh tế số và thực thi pháp luật trong TMĐT”. Ảnh: QUANG BÌNH

Với TMĐT, đối tượng khách hàng giờ đã không còn giới hạn về khoảng cách địa lý hay thời gian làm việc. Do đó, mỗi doanh nghiệp tiếp cận được số lượng khách hàng lớn, đẩy cao doanh thu, lợi nhuận của mình. Việc thực hiện TMĐT sẽ không tốn kém quá nhiều cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, nhân viên phục vụ. Đặc biệt, với những doanh nghiệp xuất khẩu, các chi phí phát sinh do khoảng cách có thể giảm thiểu đi đáng kể…

Tuy nhiên, hiện không có khuôn mẫu cho mô hình TMĐT. Không có cách tốt nhất để áp dụng TMĐT cho tất cả các doanh nghiệp mà các doanh nghiệp phải dựa trên đặc tính của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của mình để tạo ra một mô hình TMĐT phù hợp cho riêng mình. Chi phí để triển khai TMĐT là rất thấp nên hầu như ai cũng có thể áp dụng TMĐT, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này. Vì thế, để thành công, doanh nghiệp phải biết cách đầu tư, như: quan tâm đến marketing qua mạng, tiện ích và chất lượng phục vụ khách hàng, tạo nét đặc trưng cho riêng mình. Làm tốt các yếu tố này thì doanh nghiệp sẽ thành công.

Đồng chí Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng cho biết, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các phương thức, hình thức kinh doanh ngày càng phong phú, đa dạng. Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, TMĐT, kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại. Chính vì vậy, các hoạt động mua, bán, giao dịch hàng hóa và dịch vụ được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử, internet. Do đó, TMĐT đã được Chính phủ, các bộ, ngành ở nước ta quan tâm phát triển.

Đối với tình hình Việt Nam hiện nay thì TMĐT giúp rất nhiều cho việc tiếp thị đa kênh, bán hàng trên ứng dụng di động, tìm kiếm khách hàng và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong TMĐT để thực thi, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong TMĐT và thúc đẩy phát triển kinh doanh trên môi trường mạng là một vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, để triển khai thực hiện Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2019 tại tỉnh Sóc Trăng (theo Quyết định số 4618/QĐ-BCT, ngày 14-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương), vừa qua, Sở Công thương Sóc Trăng phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức lớp tập huấn “TMĐT trong bối cảnh nền kinh tế số và thực thi pháp luật trong TMĐT” cho các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong tỉnh, với mong muốn sẽ giúp bồi dưỡng kiến thức về TMĐT cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp để áp dụng vào công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

Như vậy, với sự phát triển mạnh mẽ của internet thì chủ thể tham gia hoạt động TMĐT bên cạnh việc tuân thủ các quy định trực tiếp về TMĐT, còn phải thực hiện các quy định pháp luật liên quan khác, như: đầu tư kinh doanh, thương mại, dân sự… Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT trở nên cần thiết và cấp bách. Pháp luật về TMĐT được xem là công cụ pháp lý bảo vệ, định hướng chủ thể kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh thông qua TMĐT an toàn. Trên cơ sở quy định của pháp luật các chủ thể xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình khi có tranh chấp xảy ra.

Q. Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: