Trồng rau hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu

04/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 04/05/2019 | 06:00

STO - Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án "Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long" do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Tổ chức Bánh mì thế giới đồng tài trợ, mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới được triển khai tại huyện Kế Sách thời gian qua đã từng bước khẳng định tính cần thiết, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.

Năm 2018, mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới được triển khai thực hiện tại 3 xã vùng dự án là Thới An Hội, Kế Thành và An Mỹ của huyện Kế Sách, có 30 hộ nông dân tham gia, với tổng diện tích 6.000m2. Bước đầu thành công của mô hình đã giúp nông dân hạn chế được ảnh hưởng từ thiên tai, thu nhập được cải thiện trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng bất lợi.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hồng Thanh Tâm - cán bộ chương trình của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách cho biết: “Những hộ tham gia dự án sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch về trồng rau hữu cơ an toàn, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân sẽ trồng đa dạng các loại rau màu quanh năm, đặc biệt vào mùa mưa, rau sẽ hạn chế sự tác động của lượng mưa, rau không bị dập, rách ảnh hưởng đến năng suất. Trồng trong nhà lưới, rau sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với thời tiết cực đoan, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác như: không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm nước tưới, ứng dụng sản phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ đã bổ sung và nâng cao độ phì nhiêu của đất. Qua đó, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, giải quyết sinh kế cho nông dân của địa phương; nâng cao ý thức của nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch”.

Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Thới An Hội.

Tại xã Thới An Hội, có 12 hộ tham gia mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới và cuối năm 2018 đã thành lập được Hợp tác xã Thành Đạt. Bà con tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 1 nhà lưới trị giá gần 21 triệu đồng, phần còn lại địa phương hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để lắp hệ thống tưới phun. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, bà con còn nắm được quy trình trồng, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại, ứng dụng các chế phẩm sinh học, cách sử dụng nguồn nước tưới và cải tạo đất phù hợp.

Anh Lý Chanh ở ấp An Nhơn, xã Thới An Hội chia sẻ: “Trước đây trồng rau, tôi chủ yếu dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên đất bạc màu, không còn chất dinh dưỡng. Từ khi tham gia mô hình, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn trồng rau hữu cơ do cán bộ dự án và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Trồng rau sử dụng 100% phân hữu cơ, tận dụng những phế phẩm nông nghiệp ủ với nấm Trichoderma khoảng 3 tháng thì mang trồng. Để xịt côn trùng thì ngâm tỏi, ớt, gừng với rượu khoảng 2 tháng có thể sử dụng. Ngoài ra, dùng trái chuối chín, đu đủ chín… ngâm ủ để cung cấp chất dinh dưỡng cho rau nên rất an toàn, lại thân thiện với môi trường, giảm chi phí sản xuất, tránh được các bệnh tật do sử dụng nhiều chất hóa học và thuốc trừ sâu và không ô nhiễm môi trường. Với 200m2 trồng rau an toàn trong nhà lưới, tôi thu lời từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/vụ. Với mức thu nhập này, tôi yên tâm phát triển sản xuất ngay trên chính mảnh đất của mình để đảm bảo cuộc sống”.

Chủ tịch UBND xã Thới An Hội Ngô Thị Hồng Hoa cho biết: “Từ những kết quả tích cực của mô hình mang lại, một số đơn vị trong tỉnh đã đến địa phương tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm để áp dụng, nhân rộng mô hình. Hiện nay, có đối tác ở Cần Thơ đến đặt hàng mỗi ngày 100kg rau hữu cơ nên chúng tôi đang bố trí bà con trồng để đảm bảo nguyên liệu cung ứng; đồng thời tiếp tục nhân rộng diện tích trồng rau hữu cơ trong nhà lưới tại địa phương”. 

Đánh giá về hiệu quả mô hình, đồng chí Hồng Thanh Tâm cho biết thêm: “Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng và mức độ an toàn thực phẩm ngày càng cao. Do đó, sản phẩm rau sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng và có chứng nhận sẽ có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thông thường. Công nghệ tưới tiết kiệm nước cho mô hình sản xuất hữu cơ trong nhà lưới không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước mà còn giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công. Cây trồng đảm bảo trong điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất và phẩm chất trong điều kiện thời tiết bất lợi”.

Từ những thành công bước đầu của mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới, thời gian tới, Ban Quản lý Chương trình phát triển huyện tiếp tục phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, tổ chức hội thảo để giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ đối với các trường học mẫu giáo và các trường bán trú trên địa bàn huyện. Ngoài ra, tập trung quảng bá sản phẩm, đăng ký chứng nhận và hoàn thành các bao bì sản phẩm để tạo cho người tiêu dùng tin tưởng hơn.

“Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 10 hộ tham gia mô hình; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đóng bao bì và chứng nhận sản phẩm rau của hợp tác xã nhằm giúp đầu ra ổn định và nâng cao giá trị của rau hữu cơ và tập huấn kiến thức cho các hộ thực hiện mô hình” - đồng chí Hồng Thanh Tâm thông tin.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: