• Văn hóa - Thể thao

Độc đáo những linh vật - biểu tượng sức mạnh của đội ghe ngo

14/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 14/10/2017 | 06:00

STO - Với đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, Sóc Trăng nói riêng, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh nên những hình thú vật biểu tượng sức mạnh cho các đội ghe ngo cũng được các chùa Khmer rất trân trọng.

Hàng năm, tại lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, ngoài đến xem và cổ vũ cho các đội ghe, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những hình con thú vật biểu tượng được đặt ngay trước mũi ghe. Những biểu tượng đó, được các nghệ nhân Khmer chạm khắc, gợi lên sự huyền bí, mang lại cho người xem một cảm giác hấp dẫn như: Sath Krud (chim thần), Naga, Neang Machha (nàng tiên cá), voi, hổ, ngựa… Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ III - khu vực ĐBSCL sắp diễn ra, chúng ta lại có dịp chiêm ngưỡng thêm nhiều hình ảnh độc đáo này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chùa Prés Buône Prés Phék (Bốn Mặt), xã Phú Tân (Châu Thành), từ khi hình thành được chiếc ghe ngo (năm 2001), sư sãi và ban quản trị đã thống nhất chọn con vật linh thiêng cho đội ghe ngo của mình là Sath Krud. Bởi họ cho rằng, một linh vật khó có thể tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng lại xuất hiện khá phong phú trong các câu truyện thần thoại, trong những công trình kiến trúc tôn giáo. Từ lâu, hình tượng Krud gắn chặt trong đời sống tâm linh và đời sống thẩm mỹ của người Khmer. 

Naga được đặt trang trọng trước mũi ghe ngo.

Theo thượng tọa Thạch Bonl - Trụ trì chùa, Sath Krud được đặt tại nơi trang trọng nhất là mũi ghe ngo, với dáng vóc xòe đôi cánh tay ra, đầu hướng về phía trước. Việc đặt Sath Krud ở vị trí như vậy, vừa có tác dụng tạo nên sự chắc chắn, khỏe khoắn, vừa góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp và sự uy nghi cho chiếc ghe ngo. Từ biểu tượng con vật sức mạnh, kết hợp với việc tuyển chọn lực lượng vận động viên tập luyện chu đáo, đội ghe của nhà chùa đã “thống trị” trong suốt một thời gian dài tại các giải đua của tỉnh và khu vực ĐBSCL.

Giống như chùa Prés Buône Prés Phék, chùa Porpús-tứk, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú), năm 2016, lần đầu tiên hạ thủy chiếc ghe cũng được ban quản trị chùa thống nhất chọn Sath Krud làm biểu tượng sức mạnh cho đội ghe ngo của mình. Bởi họ xem là vật linh, bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, Krud chính là vật cưỡi của thần Visnu - một trong những vị thần tối thượng của Bà La Môn giáo. Người Ấn Độ gọi là Garuda. Dựa theo truyền thuyết Ấn Độ, cũng như truyền thuyết của dân tộc Khmer, người ta biết rằng, Krud vốn là con của nữ thần Vin-ta.

Còn một số chùa, thì chọn biểu tượng Naga, như: Bâng Tone Sa (xã Viên An); Pôthi Prứk (thị trấn Lịch Hội Thượng) của huyện Trần Đề; Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam bộ; chùa Tumnup, xã An Ninh (Châu Thành)… Bởi Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ rắn hổ mang, loài rắn mà nọc độc của nó có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Siva (đấng phá hoại) vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh. Trong Bà La Môn giáo, rắn Naga không những là vị thần mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi niết bàn. Trong văn hóa dân gian Khmer, Naga nguyên thủy của nó vẫn là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người…

Theo ông Châu Ôn - giảng viên Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, hình tượng Sath Krud được các nghệ nhân Khmer thường trình bày trong tư thế dang đôi cánh rộng, trông như những cánh tay lực lưỡng đang nắm chặt thân rắn Naga căng ngang. Với oai lực của loài mãnh cầm đầy sức mạnh như vậy, đối với người Khmer ở Nam bộ thì Krud trở thành một vật trang trí không thể thiếu trong các công trình kiến trúc chùa chiền và cả chiếc ghe ngo.

Ngày nay, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo ở khu vực ĐBSCL đã trở thành ngày hội lớn, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Đây cũng là dịp để các chùa có đội ghe ngo trong tỉnh khoe “dáng sắc” những biểu tượng con thú vật “linh thiêng” trên đường đua xanh sắp tới.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: