• Văn hóa - Thể thao

Chi bộ Mỹ Quới - Chi bộ Đảng đầu tiên của Sóc Trăng

05/02/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 05/02/2020 | 06:00

STO - Cách đây gần 90 năm (6-1930) tại làng Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Mỹ Quới, TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với Đảng bộ Sóc Trăng, đó là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng. Sự kiện ấy là niềm vinh dự, tự hào, là bài học có ý nghĩa sâu sắc, sáng ngời không chỉ cho công tác tư tưởng, tổ chức mà còn cho cả công tác xây dựng Đảng hôm nay và mai sau.

Theo dòng lịch sử, vào năm 1926, tại làng Mỹ Quới trong giới giáo chức có thầy giáo Văn Kiết Thế cùng với ông Biện làng là Lê Quang Thìn tổ chức ra Hội Thể dục (chủ yếu là chơi bóng tròn); lập nhà hội khuyến học làm hội quán, nhằm tập hợp số thanh niên ở chợ Xép Kha – Na – Rộn (chợ Mỹ Quới ngày nay) để chơi banh trong các buổi chiều hoặc đọc báo, đọc sách. Trước cửa hội quán hồi đó có dán đôi liễn bằng chữ Việt: “Mát mẻ dợt banh rèn thể lực/Thảnh thơi đọc báo luyện tinh thần”.

Hội này, lấy danh nghĩa là “Hội thể dục thể thao” để lồng vào các cuộc diễn thuyết, luận đàm nhằm khơi gợi lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào trong nhóm thanh niên, trong các cuộc tranh luận, họ thường trao đổi với nhau về tình hình thời cuộc, thời sự. Từ đó, tạo nên một chuyển biến mới bước đầu trong nhận thức của tầng lớp thanh niên, mặc dù đó chỉ là nhận thức còn ở dạng sách vở chưa có căn cứ khoa học cách mạng.

Đến năm 1927, tại Sài Gòn, Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ được thành lập do đồng chí Phan Trọng Bình làm Bí thư. Sau đó do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư và cử 2 cán bộ là Nguyễn Bão Toàn và Đỗ Đình Thọ về hoạt động ở vùng Mỹ Quới, quận Phước Long. Đến năm 1928, làng Mỹ Quới đã được thành lập Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội và sang năm 1929, những phái viên của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tiếp tục đến làng Mỹ Quới tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước cho một số thanh niên tiến bộ, để chọn đưa vào tổ chức. Qua thời gian thử thách, đã chọn một số thanh niên để kết nạp vào hội như: Châu Văn Phát, Trần Văn Bảy, Lê Giáo Huấn, Trương Quý Thể…

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại, chấm dứt sự khủng hoảng về sự lãnh đạo của cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng của Mỹ Quới nói riêng. Nhưng về mặt tư tưởng trong dân chúng vẫn chưa thông, có phát sinh trong phong trào tự phát luận bàn về đường lối chống Pháp. Phê phán tư tưởng cũ và mới (như tư tưởng sợ Pháp, phục Pháp và tư tưởng chống Pháp, thù Pháp…) và theo kinh nghiệm của các tiền bối, các nhà hoạt động chính trị thì một khi phong trào tự phát của quần chúng, tranh luận càng sôi nổi, tự do tư tưởng được phát huy cao nhưng ý thức tập thể kém càng dễ bộc lộ quan điểm, lập trường tư tưởng cá nhân. Vì vậy cần có giai đoạn điều nghiên, phân tích đối tượng chính xác hơn.

Sau khi điều nghiên, chọn lọc được người tích cực, có xu hướng tiến bộ, hội sẽ bố trí địa điểm, có chương trình thảo luận cụ thể theo yêu cầu, từ đó sẽ triệu tập những đối tượng cần thiết để tuyên truyền sâu hơn. Sau đó, cuộc họp mặt đặc biệt được diễn ra có các đồng chí Nguyễn Văn Giác, Châu Văn Phát và Quảng Trọng Hoàng. Đồng chí Nguyễn Văn Giác nêu vấn đề tình hình hiện nay để cho các thành viên tham gia thảo luận và sau đó, đồng chí phân tích rõ đâu là bạn, đâu là thù (4 bạn là: công – nông – tiểu – tư; 2 thù là đế quốc và phong kiến); về nhiệm vụ chung, đồng chí khẳng định: “Không có con đường nào khác ngoài con đường làm cách mạng xã hội đánh đổ toàn bộ kẻ thù. Cách mạng Đông Dương phải trải qua hai giai đoạn cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới (do giai cấp vô sản lãnh đạo) và tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Đồng chí cũng nêu lên vấn đề thuận lợi, khó khăn về căn bản của cách mạng lúc bấy giờ. Bọn đế quốc, phong kiến áp bức, bóc lột tàn bạo thì tất nhiên quần chúng càng căm thù sâu sắc, chỉ cần có cơ hội, ngọn lửa căm thù ấy sẽ bốc cao thành làn sóng đấu tranh. Về phía ta có khả năng ấy. Nhưng hiện nay, ta gặp khó khăn là khả năng ấy chưa được tập hợp thành sức mạnh, còn đế quốc, phong kiến thì đã có sẵn bộ máy nhà nước để đàn áp, lúc nào chúng cũng sẵn sàng dìm phong trào cách mạng của quần chúng thành bể máu, cho nên việc bàn bạc, đi lại, gặp gỡ quần chúng, ta phải tuyệt đối bí mật, coi như đó là nguyên tắc – kỷ luật của tổ chức. Trong cuộc họp này, các đồng chí đưa ra phương châm, phương pháp hoạt động cách mạng.

Ít lâu sau, một số người dự cuộc họp nói trên kể lại: “Lần đầu tiên trong đời, tôi mới nghe tiếng nói cách mạng – chúng tôi muốn nín thở, chỉ nghe nói chứ không có một ý kiến nào cả. Một việc lạ lùng đối với chúng tôi từ thuở nhỏ đến nay chưa hề nghe và chưa hề nghĩ tới bao giờ”.

Tiếp theo, các cuộc họp tập trung vào việc tranh luận về chủ nghĩa Việt Nam Quang phục hội và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, phê phán một số tư tưởng cá biệt là nhìn bản chất đế quốc không rõ ràng như: chống đế quốc mà không dựa vào lực lượng quần chúng, coi nhẹ vai trò quần chúng cần lao; khi bị thống trị, lại trông chờ ỷ lại kẻ khác giải thoát cho mình, coi nhẹ vai trò nội tâm, nội lực, thiếu vắng tinh thần tự cường. Thậm chí, một số người chưa nắm rõ mục đích làm cách mạng đánh Pháp để giải quyết quyền lợi chính trị, kinh tế cho ai? Và không đá động gì đến quyền lợi thiết thực của giai cấp nông dân, đó là ruộng đất. Mâu thuẫn giai cấp không được giải quyết đến nơi, đến chốn thì không thể tập hợp được lực lượng quần chúng đông đảo để biến thành sức mạnh…

Phải qua nhiều cuộc họp, tọa đàm hội thảo, có phân tích cụ thể, chỉ ra con đường chân lý mới giúp cho nhiều thanh niên Mỹ Quới nhận thức tương đối sâu sắc hơn. Họ thấy được mục đích làm cách mạng, củng cố lòng tin là cuộc cách mạng theo đường lối của Đảng sẽ thành công. Từ đó việc đối xử nhau trở nên mật thiết, ý hiệp tâm đồng, anh em tự giác không hoạt động cho Việt Nam Quang phục hội nữa, nhất trí ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành hoạt động theo một chương trình thống nhất, tập trung trao đổi lý luận, uốn nắn tư tưởng cho nhau để giữ gìn bí mật tuyệt đối.

Đến tháng 6-1930, đồng chí Quảng Trọng Hoàng là đảng viên cộng sản ở tỉnh Mỹ Tho bị địch truy lùng, chuyển về Mỹ Quới hoạt động, cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Giác, Châu Văn Phát tiến hành triệu tập một cuộc họp đặc biệt ở nhà đồng chí Châu Văn Phát tại đầu voi chợ ngã tư Kha - Na - Rộn (chợ Mỹ Quới). Hội nghị gồm có các đồng chí: Châu Văn Phát, Trần Văn Bảy, Lê Giáo Huấn, Nguyễn Văn Hiển, Trương Quý Thể. Mục đích của cuộc hội nghị này là bàn bạc về vấn đề tập hợp tổ chức chi bộ đảng với lý do: xét vì các đồng chí ở rời rạc không tập hợp vào tổ chức sẽ không thống nhất về mặt tư tưởng cũng như hành động, không có kỷ luật tổ chức, không được kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ nhau, sẽ không thành sức mạnh tập thể. Vì vậy, rất cần có cuộc họp để tập hợp thành tổ chức. Qua đó, hội nghị tán thành và quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Mỹ Quới, chi bộ gồm có các đồng chí: Châu Văn Phát, Trần Văn Bảy, Lê Giáo Huấn (Mười Chu), Trương Quý Thể… Chi bộ cử đồng chí Châu Văn Phát làm bí thư. Ít lâu sau, Châu Văn Phát phân hóa tư tưởng, không kiên định lập trường theo quan điểm của Đảng Cộng sản, chi bộ quyết định cử đồng chí Trần Văn Bảy làm bí thư (thay đồng chí Phát) và ra mắt chi bộ tại Miếu Bà Chúa Xứ (thuộc ấp Mỹ Đông ngày nay).

Sau khi thành lập, Chi bộ Mỹ Quới tích cực vận động, tập hợp quần chúng, nhất là nắm được hội thể thao, đưa nội dung cách mạng vào các buổi sinh hoạt thể thao, nhằm khơi gợi lòng yêu nước, chí căm thù bọn đế quốc, phong kiến tay sai. Chi bộ lãnh đạo nhiều người tích cực, tiến bộ đấu tranh chống tư tưởng phục Pháp, sợ Pháp. Từ đó nhiều người nhận thấy rõ con đường duy nhất để giải phóng cho mình, cho dân tộc là làm cách mạng đánh đổ thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Trải qua 90 năm hoạt động của Chi bộ – Đảng bộ xã Mỹ Quới với tư tưởng vì Đảng, vì dân không phân biệt ranh giới, giai cấp giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo, hễ ở đâu có quần chúng là ở đó có đảng viên, có chi bộ. Đó là truyền thống quý báu của Chi bộ – Đảng bộ Mỹ Quới. Truyền thống đó đã được ăn sâu vào trái tim của những đảng viên trên quê hương Mỹ Quới anh hùng.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: