• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Ngã Năm xưa và nay

02/08/2019 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 02/08/2019 | 11:00

STO - Vào đầu thế kỷ 20, Ngã Năm là vùng đất hoang vu, những cánh rừng lá dừa nước bạt ngàn, dân cư thưa thớt, đất đai phần nhiều nhiễm mặn, phèn chua, mọc đầy năn, lác, lau, sậy. Thực dân Pháp xem vùng đất này là vùng thám hiểm, nên trong kế hoạch khai thác thuộc địa Đông Dương từ năm 1900 đến năm 1924, Pháp cho đào nhiều kênh lớn nhằm khai thác vùng đất mới và cũng thuận tiện trong việc cai quản, kiểm tra, kiểm soát dân tình. Đó là kênh Quản Lộ Phụng Hiệp – Cà Mau; Ngan Dừa – Cầu Sập; Giá Rai - Phó Sinh; Long Mỹ - Phú Lộc. Riêng sông Ngã Năm đổ về năm ngã: Ngã Năm - Long Mỹ; Ngã Năm - Vĩnh Quới; Ngã Năm - Phụng Hiệp; Ngã Năm - Phước Long; Ngã Năm - Phú Lộc hình thành năm ngã sông và tên gọi Ngã Năm được bắt đầu từ đó.

Ngã Năm là một địa danh rất quen thuộc của giới thương hồ Nam Kỳ lục tỉnh, có thể sánh ngang hàng với chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang). Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm, trung tâm kinh tế, chính trị - văn hóa của TX. Ngã Năm ngày nay. Chợ nổi Ngã Năm có từ lâu và nhộn nhịp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, ghe tàu từ các nơi đến đây để mua bán, trao đổi đủ loại hàng hóa. Đặc biệt vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, cảnh chợ càng nhộn nhịp, náo nhiệt hơn. Từ 3 đến 4 giờ sáng, chợ nổi đã hoạt động đến tận đêm khuya. Khu vực trung tâm của chợ nổi có hàng trăm xuồng, ghe, tàu đủ loại đậu san sát mua bán hàng hóa. Đặc biệt, về đêm, đứng trên bờ nhìn xuống, chợ nổi lung linh với đủ màu sắc của ánh đèn. Hàng hóa của chợ nổi Ngã Năm hầu như không thiếu món gì. Nếu như khu vực dưới sông hàng hóa chủ lực là nông sản, thực phẩm tươi sống, lúa gạo, trái cây... thì ở trên bờ, các cửa hàng cũng đầy ắp hàng công nghiệp, mỹ nghệ, điện tử...

Cả khúc sông dài gần 1km, ghe nào cũng vậy đều có “cây bẹo” treo lủng lẳng phía trước ghe. Ảnh: Chí Bảo

Đến nay, chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ nổi khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi Ngã Năm là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nét độc đáo của chợ nổi là hình dáng “cây bẹo” trên các ghe buôn, “bẹo” treo thứ gì thì ghe bán thứ đó.

Diện mạo nông thôn và đô thị TX. Ngã Năm hôm nay có nhiều đổi mới và khang trang; 100% xã, phường có đường ô tô nối liền với trung tâm thị xã, các ấp, khóm đều có lộ bê tông hoặc đường nhựa, đảm bảo giao thông thông suốt bằng xe hai bánh hoặc bốn bánh; hệ thống thủy lợi, điện, trường học, y tế và các thiết chế văn hóa được đầu tư ngày càng hoàn thiện; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và sử dụng điện an toàn đạt trên 98%. Các mặt văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Hộ nghèo toàn thị xã cuối năm 2018 còn 8,09%, hộ cận nghèo trên 13%.

Thiết nghĩ, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền thị xã, sự đồng lòng hưởng ứng của toàn thể nhân dân là điều kiện, tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TX. Ngã Năm, phấn đấu đạt được mục tiêu đô thị loại III và trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Sóc Trăng.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: