• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Tân Long xưa và nay

10/04/2020 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/04/2020 | 15:00

STO - Làng Tân Long được thành lập vào cuối thế kỷ XIX, lấy thôn hiệu là Tân Long thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá với diện tích ước khoảng 25km2. Dân ở tứ xứ kéo về đây khai hoang đất trồng lúa để mưu sinh. Lúc mới lập làng, đường giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe theo đường lung, bưng do dấu của thú rừng như: trâu rừng, bò rừng, voi rừng, cá sấu, heo rừng... thường đi ăn lâu ngày mà hình thành. Lung, bưng, bàu mọc đầy năng, lác, lau sậy, bông súng... sình lầy rất khó chèo, chống xuồng, ghe. Ngày nay vẫn còn nhiều di tích như: lung Bàu Tượng, lung Năm Dậu, lung Bát Túc, lung Giữa...

Khi được hình thành, dân ở làng Tân Long sống theo từng cụm, từng xóm như: xóm Mỹ Lợi, xóm Kho Lầu, xóm Châu Gươn, xóm Bàu Tượng, xóm Bình Hưng, xóm Cái Trầu, xóm Bưng Cần Thơ, xóm Tân Thành, xóm Tân Bình... Vị trí làng Tân Long xưa phía Đông giáp ranh hạt Sóc Trăng, phía Tây giáp làng Vĩnh Quới, phía Nam giáp Mỹ Phước thuộc huyện Mỹ Tú ngày nay. Dân số lúc bấy giờ thưa thớt, nhà dân sống chủ yếu ven kênh, rạch, sông, ngòi.

Dân làng Tân Long lúc bấy giờ là người Kinh lẫn người Khmer, Hoa của các xứ khác về đây khai khẩn vùng đất hoang vu này để trồng lúa sinh sống. Trong số đó có ông Dù Kia (người Việt gốc Hoa), ông dẫn một số người tận Sài Gòn, Long An xuống khai khẩn vùng đất Tân Long này. Nhờ có ý chí kiên trì và sức lao động bền bỉ dù phải đổ mồ hôi, những giọt nước mắt họ đã biến vùng đất hoang hóa này thành những cánh đồng màu mỡ, bằng phẳng, khởi đầu cho cuộc sống định canh, định cư của người dân Tân Long. Cuộc sống ấy đã tồn tại và phát triển đến hôm nay.

Tân Long xưa là một làng vùng nông thôn sâu, cũng là vùng đất trũng có nhiều lung, bàu và bị nhiễm phèn nặng, nông dân chỉ canh tác một vụ lúa mùa trong một năm, năng suất thấp, thu nhập bình quân chỉ một tấn thóc trên hécta. Nhưng bù lại nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất Tân Long có nhiều sản vật như: tôm, cá, rùa, rắn, ếch, lươn, cua, chim, cò; nhiều bông súng, điên điển... Từ đó mà người dân dễ bề mưu sinh, ổn định.

Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, với ý thức dân tộc cao, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết chống lại bọn địa chủ phong kiến và giặc ngoại xâm, ý thức và tinh thần ấy ngày càng được củng cố bền chặt, keo sơn. Trong quá trình đấu tranh để tồn tại, phát triển, cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết, xây dựng nên tình thân ái, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn, giúp nhau trong lao động sản xuất, tôn trọng nhau trong sinh hoạt xã hội, văn hóa tín ngưỡng. Từ đó, 3 dân tộc anh em cùng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tân Long hôm nay đã trở thành xã nông thôn mới. Năm 2020, Đảng bộ và nhân dân trong xã đồng lòng, chung sức quyết tâm thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Tin rằng, xã Tân Long về đích xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: