• Văn hóa - Thể thao

Địa danh Vĩnh Quới xưa và nay

03/03/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/03/2020 | 06:00

STO - Xã Vĩnh Quới nằm ở phía Tây của TX. Ngã Năm. Đây là vùng đất trũng, có nhiều kênh rạch chằng chịt, thuận tiện cho việc giao thông đường thủy. Vì vậy, dân cư phân bổ phần lớn là dọc theo hai bờ kênh rạch, mỗi nhà đều có xuồng, ghe dùng làm phương tiện đi lại, chuyển chở vật tư, hàng hóa hay buôn bán…

Dân cư Vĩnh Quới có 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa sống đan xen với nhau, và có một chùa Khmer được hình thành khá sớm vào năm 1878. Làng Vĩnh Quới được chính quyền bảo hộ cho thành lập vào năm 1902 và sau đó là xã Vĩnh Quới với 14 ấp.

Từ ngày lập làng lập xã cho đến nay tròn 118 năm, xã Vĩnh Quới có thay đổi nhiều lần về hành chính, địa lý, dân cư của một số ấp. Đến năm 1979, xã Vĩnh Quới được tách ra thành hai xã có tên là Vĩnh Biên, riêng xã Vĩnh Quới vẫn giữ nguyên tên gọi.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1904, thực dân Pháp xem vùng đất Vĩnh Quới là vùng thám hiểm, vì dân cư thưa thớt, toàn là rừng tràm, lau sậy, bưng biền… Nguồn sống chính của cư dân nơi đây là bắt cá, chim non, mật ong… Cũng vào năm 1904, xảy ra hai trận bão lớn, lụt lội ngập tràn làm cây cối ngã đổ, nhà cửa của dân cư bị cuốn trôi, sống cảnh “màn trời, chiếu đất”. Sang năm 1905, lại hạn hán kéo dài, nông dân vùng Tây Nam bộ nói chung, Vĩnh Quới nói riêng lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng. Hàng chục ngàn mẫu rừng bị ngã đổ, cũng là cơ hội cho nông dân nơi đây mở ra nghề khai thác rừng và khẩn hoang vùng đất mới. Đồng thời, trong kế hoạch khai thác Đông Dương từ năm 1900 – 1924, thực dân Pháp cho xáng đào nhiều kênh lớn mang tính chiến lược nhằm khai thác vùng đất mới và để thuận tiện trong việc quản lý, kiểm tra dân tình, như: Kênh Quản lộ Phụng Hiệp – Cà Mau; Ngan Dừa – Cầu Sập; Giá Rai – Phó Sinh; Long Mỹ – Phú Lộc. Và dân từ các nơi: Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho di cư về làng Vĩnh Quới khẩn hoang, sinh sống; kênh đào đến đâu, dân ở đến đó. Hầu hết họ là những nông dân nghèo, bị bọn cường hào, địa chủ cướp hết ruộng nương, bị áp bức bóc lột và truy bứt không còn con đường sống. Cũng có người chống cảnh ở đợ “nát đời” cho địa chủ, có một số người chống chính quyền thực dân truy nã. Những cư dân về làng Vĩnh Quới có cả người Kinh - Khmer - Hoa, họ hy vọng đến vùng đất mới này để tránh khỏi bọn quan lại, cường hào ác bá, để được sống tự do, yên ổn làm ăn, chấp nhận đối mặt với cuộc sống “rừng thiêng, nước độc”; thú dữ, rắn rết, đĩa vắt, muỗi mòng, cháo rau, đau không thuốc… Họ mơ ước khẩn hoang tạo ra mảnh vườn, thửa ruộng, ao cá để có chén cơm, manh áo cho gia đình và cho con cháu mai sau.

Buổi đầu những mơ ước đó của người dân nơi đây được yên ổn, an phận. Song không bao lâu sau bọn quan lại, cường hào bám theo người dân “lưu tán” cùng với chính quyền thực dân Pháp cũng kéo đến vùng đất này đặt ách thống trị, áp bức bóc lột nông dân.

Thấu hiểu cảnh khổ đau, cảnh mất độc lập, tự do nên nhân dân Vĩnh Quới theo Đảng, làm cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian lao ác liệt, tuy một phần đất đai có thời kỳ bỏ hoang, song người dân Vĩnh Quới vẫn tự sản xuất đáp ứng về lương thực, thực phẩm và góp phần nhỏ bé của cải, vật chất vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Hôm nay, đến với Vĩnh Quới thấy diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao. Vĩnh Quới có 8/8 ấp đều đạt chuẩn văn hóa, 75% số hộ xây nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 chỉ còn 3,78% và thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 46,9 triệu đồng/người/năm. Xã Vĩnh Quới đã có 2 tuyến đường “thắp sáng đường quê” thuộc ấp Vĩnh Trung, Vĩnh Thuận và ấp Vĩnh Phong – Vĩnh Thành, tổng chiều dài 7km; có trên 70% hộ gia đình mắc bóng đèn trước nhà, 82% hộ gia đình có hố rác hoặc thùng rác; 96% hộ gia đình sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh… Từ đó, ngày 13-8-2019 xã Vĩnh Quới được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Quới năm 2020 và những năm tiếp theo phấn đấu với niềm tin chắc thắng là sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.

Lê Trúc Vinh

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: