• Văn hóa - Thể thao

Lễ Kỳ yên cầu cho “quốc thái dân an”

17/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 17/11/2020 | 06:00

STO - Ở Sóc Trăng quê tôi, hàng năm các đình chùa miếu mạo đều có tổ chức những ngày lễ theo tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo. Trong những ngày lễ ấy, có một ngày lễ quan trọng là Lễ Kỳ yên ở các đình, miếu thường tổ chức vào những tháng mùa xuân (âm lịch). Theo thông lệ, cứ sau 3 năm tổ chức một Lễ Kỳ yên lớn gọi là Đại lễ Kỳ yên.

“Kỳ yên” là chữ Hán, được gọi theo phương ngữ Nam bộ là “cầu an”. Nhưng cầu an cho ai? Khi tôi đến dự tại một cơ sở thờ tự đang tổ chức Lễ Kỳ yên, nhiều người có khấn thần linh phù hộ cho gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhưng đó không phải là mục đích, yêu cầu duy nhất mà tôi được biết đối tượng “cầu an” ở đây rất rộng và mang tính chất xã hội rất cao. Đó là cầu cho “quốc gia” và “dân tộc” sao cho được “quốc thái dân an”: đất nước được thái bình còn nhân dân thì yên ổn. Ở một đất nước như Việt Nam ta có một chiều dài lịch sử gắn liền với việc giữ nước chống giặc ngoại xâm thì ước nguyện “quốc thái dân an” là một ước nguyện mang tính chất “sống còn” bởi chỉ có thái bình, yên ổn thì nhân dân mới yên tâm và có điều kiện thuận lợi để sản xuất, kinh tế phát triển, xã hội tươi đẹp, nhân dân sống hạnh phúc.

Trong các sắc thần của triều đình phong kiến xưa kia phong cho các đình làng, phần cuối của sắc, sau khi nhắc nhở dân làng phải chăm chỉ phụng sự thần Thành hoàng thì ngược lại, cũng “dặn” thần Thành hoàng phải có nhiệm vụ phù hộ, bảo vệ dân làng. Nhưng đối với dân làng như thế là chưa đủ, thần linh phải “lo” xa hơn cái cổng làng, không chỉ lo cho dân làng mà còn phải lo cho đất nước. Ảnh hưởng ý thức mang tính xã hội này, nhiều chùa chiền (đạo Phật) ngoài phật sự, trong năm, bên cạnh tổ chức lễ cầu siêu cho người đã khuất còn cầu mong được “quốc thái dân an”.

Được biết, ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy rằng cũng có những cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo nhưng ít có nơi nào có một Lễ Kỳ yên có ý nghĩa tinh thần, tâm linh nhưng mang tính xã hội, nhân văn cao như thế. Đây chính là một nét đặc sắc về văn hóa dân tộc cần được bảo lưu, gìn giữ và phát huy.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trước đây, khi dẹp sạch bóng quân thù (quốc thái), Đảng, Nhà nước tập trung lo cho cuộc sống của mọi người dân từ cái ăn, cái mặc, ở, đi lại, học hành… Từ ăn no, mặc ấm, giờ đây tiến tới ăn ngon, mặc đẹp, giấc ngủ bình yên (dân an). Đó là ước vọng của cả dân tộc Việt Nam, trong đó có Sóc Trăng quê tôi - nhân dân luôn nguyện cầu “quốc thái dân an”.

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: