• Văn hóa - Thể thao

Một đời gắn bó với nhạc cụ truyền thống

22/05/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/05/2020 | 11:00

STO - Từ sự đam mê học hỏi các loại hình nhạc cụ truyền thống của dân tộc, như: đờn cò, đờn gáo, khưm đến đờn cha-pey, nhạc ngũ âm, ông Trần Tiên đã trở thành một trong những nhạc công kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong (Ánh Bình Minh), xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên).

Được giới thiệu từ lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong, tôi tìm đến nhà ông Trần Tiên ở ấp Bưng Tróp B, xã An Hiệp (Châu Thành). Khi hỏi về tên ông, bà con ở đây gọi thân thiện là ông Tiên đờn gáo cho Đoàn Dù kê. Khi biết được mục đích của cuộc gặp, ông mỉm cười và chia sẻ: “Nếu đến trước 1 ngày, chắc cháu không gặp được tôi đâu vì tôi cùng đội nhạc ngũ âm của chùa Kompong Trop đi đánh phục vụ đám tang. Nếu không có show nào, thì tôi ở nhà đi giăng lưới bắt cá dưới kênh”.

Theo quan sát, trong nhà ông Tiên được treo, trưng các loại nhạc cụ truyền thống. Ông Trần Tiên giới thiệu về loại hình nhạc cụ này, như: đờn cò, đờn gáo, khưm… Nói xong, ông cùng cậu con trai (Trần Hận) bắt đầu hòa tấu với các bài trong tuồng dù kê và lễ cưới Khmer. Tiếng đờn gáo, khưm vang lên ngọt ngào, lúc nhanh lúc chậm rồi luyến láy theo từng ngón tay thoăn thoắt vừa sôi nổi vừa sâu lắng như cuộc đời của người nghệ nhân, nhạc công đầy nhiệt tâm này.

Gắn bó khoảng 40 năm trong nghề, đến nay ông Trần Tiên đã để lại rất nhiều ấn tượng cho người nghe. Ông Tiên sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu thích nghệ thuật nhạc truyền thống dân tộc Khmer, ở ấp Bưng Tróp B, xã An Hiệp. Thuở nhỏ, cậu bé Trần Tiên rất thích xem văn nghệ, đặc biệt là ban nhạc truyền thống của dân tộc. Mỗi lần trong xóm có tổ chức đám phước, lễ hội hay có đoàn nghệ thuật tới diễn, cậu bé không mê đào, mê kép mà lại thích nghe tiếng nhạc, tiếng đờn các loại nhạc cụ... Thấy cậu bé Tiên có niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống, ông Trần Xai (cha ruột ông Trần Tiên) cũng đặt niềm tin vào cậu con trai để khi lớn lên chỉ dẫn cách đờn.

Ông Trần Tiên (bên phải) cùng anh Trần Hận chơi nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Thạch Pích

Ông Trần Tiên nhớ lại: “Hồi nhỏ, dù ở nhà có ban nhạc truyền thống, do người cha làm đội trưởng nhưng khi nghe tin có đoàn nghệ thuật đến diễn trong xóm hay trong chùa, tôi đều đi xem các chú nhạc công đờn. Những tiếng nhạc trầm bổng của nhạc cụ truyền thống dần thấm sâu vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Với sự yêu thích và đam mê nhạc cụ, tôi mày mò lấy lon sữa bò chế thành cây đờn để có để đờn, miệng nhép theo nhịp cho vui vui. Thấy vậy, đến năm 14 tuổi, cha bắt đầu cho tôi tập làm quen và chỉ cách đánh một số bài với nhạc cụ khưm. Khi biết chơi thuần thục, ông tiếp tục dạy cách đờn gáo, rồi đờn cò, đờn cha-pey. Nhưng khó nhất vẫn là loại nhạc cụ đờn cò, đờn gáo bởi bản thân nó không có nốt nhạc mà chủ yếu dựa vào các ngón tay kéo lên, kéo xuống. Những bản nhạc trong lễ cưới của người Khmer rất là phong phú và có nhiều điệu thức luyến láy rất kỹ thuật như bản nhạc: “Sđách đơ”, “Bai khân choong đăy”, “On ơi srây on”... Thấy tôi đờn nhuần nhuyễn, đến năm 18 tuổi, cha dẫn theo ban nhạc truyền thống đi phục vụ bà con Khmer trong các lễ hội, lễ cưới, hỏi, chùa chiền… ở khắp nơi trong tỉnh. Được đi như vậy, tôi cảm thấy rất vui và càng yêu thích nhạc cụ truyền thống, vì góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Khi nắm vững cơ bản những điệu thức nhạc của dân tộc Khmer, ông Tiên có một ước mơ muốn trở thành một nhạc công của đoàn nghệ thuật. Năm 1980, ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực khi ông Trần Tiên được mời tham gia vào Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Ron Ron, xã Phú Tân (Châu Thành). Tại đây, được lãnh đạo đoàn cho đánh nhạc cụ khưm. Từ năm 1985 đến nay, ông Trần Tiên tiếp tục với con đường mà mình đã chọn, tiếp tục tham gia vào Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên). Ông được xem là nhạc trưởng đa tài của đoàn hiện nay.

Ông Trần Tiên cho biết thêm: “Được đi theo đoàn nghệ thuật tôi cảm thấy cuộc đời của mình sống rất có ý nghĩa. Vào mùa khô hạn, đi các điểm lưu diễn tuy cực nhưng đáp lại nhờ bà con tiếp đón nồng nhiệt làm cho bản thân tôi cảm thấy rất vui. Nhất là mỗi khi đoàn tham dự hội thi, hội diễn nhân dịp lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo tỉnh và liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, mấy năm gần đây, tôi được Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long mời đi hướng dẫn cách đờn cò cho các học viên. Hiện vui nhất khi hai đứa con của tôi cũng theo “nghiệp” nghệ thuật, con trai kế út Trần Hận vừa là một nhạc công, vừa đóng vai chằn cho Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Prasath Kong, còn cậu con trai út (Trần Út Nhỏ) cũng là một nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Bạc Liêu”.

Ông Thạch Chên - Trưởng Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong cho biết: “Chú Trần Tiên là nhạc công kỳ cựu nhất của đoàn. Chú được diễn viên, nhạc công yêu mến và xứng danh như là “người cha” trong đoàn. Mỗi khi đoàn đi lưu diễn, chú Tiên vẫn lặng lẽ ngồi kéo đờn hàng đêm cho người diễn để gây thêm men ngọt cho đời. Gia đình chú xứng đáng là một gia đình có truyền thống nghệ thuật, góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer”.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: