• Văn hóa - Thể thao

Tìm hiểu về bánh, kẹo của người Hoa Sóc Trăng

22/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/01/2021 | 06:00

STO - Sóc Trăng rất phong phú, đa dạng về ẩm thực của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, vì ẩm thực đã giao thoa nhau từ rất lâu đời, tạo nên một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, khó quên, trong đó phải kể đến các loại bánh, kẹo của người Hoa Sóc Trăng.

Trước tiên là bánh pía của người Hoa Triều Châu. Những lò bánh nổi tiếng ngon của Sóc Trăng hầu hết có nguồn gốc ở Vũng Thơm, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (nơi sản sinh ra bánh pía), đến nỗi bánh pía Sóc Trăng gắn liền với địa danh là “bánh pía Vũng Thơm”. Bánh pía còn được gọi là bánh lột da vì kỹ thuật nhồi bột khi làm bánh có bí quyết phải nhồi nhiều lớp bánh, nhiều lần bột, nên lúc nướng chín xong có thể bóc ra từng lớp da bánh mỏng tang rất khéo léo.

Bánh pía Vũng Thơm nhân sầu riêng chính là yếu tố giao thoa văn hóa ẩm thực với người Kinh Nam bộ vì nguyên gốc xưa nhân bánh pía không có sầu riêng mà chỉ là đậu xanh. Hiện nay, Sóc Trăng đã có Nghiệp đoàn Bánh pía, trực thuộc Liên minh các Hợp tác xã tỉnh. Ở Sóc Trăng có một số thương hiệu bánh pía nổi tiếng như: Tân Huê Viên, Lập Hưng, Tân Hưng Lợi, Mỹ Trân, Công Lập Thành, Tân Hưng, Trân Trân…

Đặc sản của người Hoa Sóc Trăng còn có bánh cóng hay còn gọi là bánh xầy, sở dĩ gọi là bánh cóng vì bánh được chiên trong chiếc cóng (một dụng cụ nấu ăn của người Hoa, đầu cóng dùng để múc thức ăn có nước, hình trụ, sâu khoảng 5cm, đường kính của cóng khoảng 3,5cm). Bánh cóng làm bằng bột gạo pha đậu nành (để bánh xốp) trộn chung với đậu xanh nguyên hột còn cả vỏ đã nấu chín. Người ta múc hỗn hợp bột ấy bằng chiếc cóng, trên mặt bánh để thêm thịt và tép, sau đó nhúng cả chiếc cóng vào dầu sôi, khi bánh chín thì lấy bánh ra khỏi cóng. Bánh cóng được xắt ra làm đôi hay làm tư, ăn chung với bún hay bánh ướt, chấm nước mắm ớt chua ngon. Loại bánh này rất phổ biến, có bán trong hầu hết các chợ ở Sóc Trăng, nhưng nhiều nhất, nổi tiếng nhất là ở Đại Tâm.

Bánh xài thào cúi hay còn gọi là bánh củ cải là món ăn truyền thống của người Triều Châu. Củ cải non đầu mùa được bào nhuyễn, trộn với bột gạo, tôm khô, đậu phụng cùng với lá ngò rồi đem hấp. Một loại bánh truyền thống khác là bánh xíu chái cúi hay còn gọi là bánh lá liễu làm bằng bột bắp (ngô) và bột gạo, nhân lá hẹ. Loại bánh này có ý nghĩa chỉ sự học giỏi, đỗ đạt (vì: xíu chái đồng âm với tú tài).

Trong hôn lễ của người Hoa Sóc Trăng không thể thiếu 5 loại bánh kẹo truyền thống: bánh pía (là pía); kẹo đậu phụng (tào dìm pang); mè láo (bánh làm bằng bột nếp có vỏ ngoài làm bằng hạt mè (vừng); cốm 3 màu (pía pang còn gọi là bánh xốp); kẹo mè (giống mè xửng của người Kinh). Năm thứ bánh kẹo này có ý nghĩa là “Ngũ phúc kỳ xương” tượng trưng cho “năm đời tốt đẹp”. Chính vì vậy mà 5 loại bánh kẹo nói trên luôn được dùng trong hôn lễ của người Hoa. Vào dịp lễ hỏi, nhà gái yêu cầu số lượng bánh kẹo “Ngũ phúc kỳ xương” để biếu tặng họ hàng lúc thông báo hôn sự và nhà trai có nghĩa vụ phải đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra trong sính lễ, người Hoa Sóc Trăng còn dâng cúng lên bàn thờ “tổ đường” trong nhà 12 quả trứng gà nhuộm đỏ, sau đó cô dâu chú rể lột vỏ trứng chấm đường cùng ăn với ý nghĩa đôi tân lang sẽ được “kiết lợi” (tốt đẹp, may mắn). Các cụ già người Hoa ở Vĩnh Châu còn giải thích quả trứng (coi nhửng) do có hình tròn, tượng trưng sự viên mãn, tốt đẹp, nên được dùng trong hôn lễ và các nghi lễ quan trọng khác với ý nghĩa cầu mong sự tốt đẹp.

Vào những ngày lễ, tết người Hoa ở Sóc Trăng làm hoặc mua bánh “tàn cúi” (bánh tổ). Bánh tổ ở Sóc Trăng làm bằng bột nếp và đường đỏ, gói trong lá chuối, hấp chín, có thể để lâu cả tháng vẫn còn ăn được, khi ăn người ta xắt miếng mỏng đem chiên. Đặc biệt, người Hoa Sóc Trăng còn giữ những tập tục rất xa xưa, tuy thuộc về văn hóa ẩm thực nhưng liên quan đến lễ nghi nông nghiệp, như vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch người Hoa ở Sóc Trăng làm nghề nông đều cúng “Ông lúa, Bà lúa”. Lễ vật cúng là bột gạo nắn thành hình chiếc muỗng, chén, đũa, đòn gánh, thùng than… (là những món người Hoa thường dùng trong việc đi làm rẫy và để ăn uống) rồi đem hấp chín, sau đó bày trên bàn để cúng “Ông lúa, Bà lúa”. Chủ nhà khi cúng đều cầu xin “Ông lúa, Bà lúa” cho gia đình mình làm ruộng, rẫy luôn trúng mùa bội thu.

Trong văn hóa ẩm thực, người Hoa luôn thể hiện ý nghĩa biểu tượng và từ đồng âm, chính vì vậy mà người ta thường cúng hoặc ăn những món mà tên gọi của nó thể hiện yếu tố tốt đẹp. Ví dụ: cá ná (cải rổ) đầu năm ăn món cải rổ với ý nghĩa “muốn gì được nấy”; ăn suông sại (cải phụng) chỉ sự thăng tiến; ăn củ xại (hẹ) có ý nghĩa là làm có tiền nhiều; ăn sứng xại (củ tỏi) nghĩa là “làm ăn thành công”, do đó nơi bàn thờ thần tài, thần thổ địa, người Hoa thường cúng chùm củ tỏi; ăn thìn xại (rau cần) có ý nghĩa “siêng năng, chăm chỉ”. Do tên gọi của năm loại thực vật này đều có ý nghĩa tốt đẹp, đáp ứng được khát vọng sâu xa của người Hoa nên họ thường nấu cúng và ăn các loại rau củ nói trên vào dịp Tết Nguyên đán hoặc dịp sự kiện quan trọng trong gia đình…

Cùng với cộng đồng dân cư ở Sóc Trăng, người Kinh, người Khmer và người Hoa vẫn bảo lưu sắc thái văn hóa truyền thống riêng biệt từng dân tộc mình, song trong quá trình sinh sống đan xen trên cùng một vùng đất, ba dân tộc đã thể hiện đặc trưng văn hóa ẩm thực của Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.

LÊ TRÚC VINH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: