Cần tăng cường đầu tư cho hệ thống truyền thanh cấp xã

01/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 01/11/2017 | 06:00

STO - Thời gian qua, chuyện “cái loa” đã được nhiều tờ báo quan tâm và đề cập đến, có ý kiến cho rằng việc tuyên truyền qua hệ thống loa đã trở nên lỗi thời và không cần thiết nữa. Vậy đối với Sóc Trăng, thực trạng chuyện “cái loa” ở cơ sở là như thế nào?

Toàn tỉnh hiện có 87/109 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cấp xã. Ngoài Đài Truyền thanh xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) sử dụng máy phát sóng vô tuyến, 86 đài truyền dẫn tín hiệu hữu tuyến kết hợp với các cụm loa truyền thanh không dây (cụm FM) thu phát lại tín hiệu từ đài truyền thanh cấp huyện. Trong 86 đài truyền thanh cơ sở có 22 đài đã hư hỏng không hoạt động được, 64 đài đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả và 22 xã, phường, thị trấn chỉ có các cụm vô tuyến FM thu phát tín hiệu từ đài huyện. Tình trạng ở các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới cũng không khả quan hơn. 61/80 xã xây dựng nông thôn mới có đài truyền thanh cơ sở. Trong đó, 38 đài đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, 27 đài hư hỏng nặng, 15 xã nông thôn mới chỉ có các cụm vô tuyến FM thu phát tín hiệu từ đài huyện.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Chiến nhận định: “Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng rất đa dạng nên không cần hệ thống truyền thanh cấp xã nữa. Với các phương tiện truyền thông khác, như: truyền hình, báo chí, điện thoại thông minh… người dân sẽ lựa chọn thông tin để theo dõi. Đa phần thích các kênh giải trí, vì vậy rất khó thực hiện công tác tuyên truyền. Nhưng với đặc thù của tỉnh Sóc Trăng, việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cấp xã là rất cần thiết”.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh làm việc tại xã An Thạnh Đông về hệ thống truyền thanh cấp xã.

Cùng đoàn giám sát của HĐND tỉnh, chúng tôi đã đến khảo sát thực trạng hệ thống truyền thanh cấp xã tại xã An Thạnh Đông (Cù Lao Dung) và Nhơn Mỹ (Kế Sách). Xã An Thạnh Đông sử dụng hệ thống thiết bị vô tuyến gồm 9 cụm loa phát thanh đặt tại trụ sở UBND xã và trụ sở ban nhân dân các ấp. Hiện trạng một số cụm đã hỏng, đường truyền tải không ổn định dẫn đến tình trạng phát thanh bị đứt quãng.

Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông Diệp Văn Thận chia sẻ: “Công tác tuyên truyền tại địa phương hiện nay chủ yếu dựa vào tuyên truyền miệng qua các đoàn thể chính trị xã hội và tuyên truyền bằng tờ rơi hoặc loa tay, loa kéo. Nhiều cụm loa không hoạt động được chủ yếu do thiếu kinh phí sửa chữa. Mặt khác, anh em cộng tác viên cũng chưa mặn mà với công việc do chế độ chính sách còn thấp”. Xã An Thạnh Đông có 2 viên chức được phân công phụ trách trạm truyền thanh xã. Tuy nhiên, hiện nay Trạm Truyền thanh xã An Thạnh Đông chỉ tiếp sóng từ Đài Truyền thanh huyện Cù Lao Dung nên các cán bộ này thường được phân công phụ trách thêm những công việc khác.

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy Huỳnh - phụ trách Trạm Truyền thanh xã An Thạnh Đông bộc bạch: “Cả 2 cán bộ truyền thanh của xã đều mới được nhận việc không lâu, vì vậy chúng tôi rất thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Chúng tôi rất mong có các khóa tập huấn nghiệp vụ để có thể viết tin bài, tự sản xuất và phát chương trình sau khi hệ thống truyền thanh của xã được cải tạo và nâng cấp”. 

Còn tại xã Nhơn Mỹ, Trạm Truyền thanh cấp xã chưa được lắp đặt, trên địa bàn có 13 cụm loa FM bố trí tại 8 ấp chỉ tiếp sóng Đài Truyền thanh huyện Kế Sách. Trong đó, 5 cụm loa đã không còn hoạt động. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Trần Văn Chên cho biết: “Hệ thống loa FM trên địa bàn đã hỏng khá nhiều, vì vậy các ấp chủ yếu tuyên truyền qua đoàn thể. Những dịp cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân, một số ban nhân dân ấp thu âm sẵn nội dung rồi sử dụng điện thoại thông minh kết nối với loa kéo để tuyên truyền”.

Nói về khó khăn của huyện đối với hệ thống truyền thanh cấp xã, Trưởng Đài Truyền thanh huyện Kế Sách Lê Văn Thiết chia sẻ: “Đối với cấp xã, vấn đề nhân sự cũng rất khó khăn. Cán bộ phụ trách trạm truyền thanh cấp xã thường thay đổi do đó đôi khi nghiệp vụ chỉ vừa tạm ổn thì đã thay người mới. Thời gian vừa qua, mặc dù chuyên môn chưa tốt nhưng đội ngũ làm công tác truyền thanh tại các xã đã kịp thời thông tin, cung cấp số liệu cho đài truyền thanh huyện sản xuất tin, bài tuyên truyền. Vì vậy, chúng tôi rất mong được bố trí kinh phí đảm bảo nhằm củng cố lại hệ thống truyền thanh cấp xã”. 

Như vậy, với địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hệ thống truyền thanh cấp xã vẫn rất cần thiết. Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phan Thị Xinh Hưởng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, qua tiếp xúc cử tri, HĐND tỉnh nhận định việc truyền thanh qua hệ thống loa vẫn rất được cử tri quan tâm. Qua đây, đề nghị cấp huyện, xã cố gắng bố trí kinh phí phục vụ công tác truyền thanh cấp xã. Đoàn ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như thực trạng để làm cơ sở báo cáo HĐND tỉnh nhằm có hướng giải quyết cho phù hợp”. 

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: