• Huyện Long Phú

Châu Khánh giải bài toán độc canh cây lúa

08/02/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/02/2018 | 06:00

STO - Là một trong những địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Long Phú, cho tới thời điểm này, có thể nói việc trồng màu trên ruộng lúa đã trở thành phong trào tại xã Châu Khánh.

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khánh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Thực hiện theo nghị quyết của Huyện ủy Long Phú và sự tư vấn, hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp huyện, Châu Khánh đã sớm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ độc canh cây lúa sang trồng màu và chăn nuôi. Cho đến thời điểm này, toàn xã có 39ha chuyển sang trồng màu. Bên cạnh đó, còn có một số hộ trồng trọt theo hình thức 2 vụ lúa, 1 vụ màu cho kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán này”.

Ngay từ năm 2015, một số gia đình tại Châu Khánh đã thử nghiệm chuyển đổi sang trồng màu với diện tích nhỏ lẻ. Đợt hạn, mặn kéo dài vào cuối năm 2015 dẫn đến nhiều diện tích trồng lúa thiệt hại nặng nề. Bước sang năm 2016, Huyện ủy Long Phú có chủ trương chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp, các ngành, đoàn thể xã Châu Khánh nhanh chóng tuyên truyền và triển khai thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, với tập quán trồng lúa từ bao đời, nhiều gia đình ở địa phương vẫn còn tâm lý ngán ngại khi chuyển đổi trồng màu. Để bà con an tâm hơn trong việc tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Xã đoàn Châu Khánh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả mang đến cái nhìn trực quan cho bà con.

Anh Huỳnh Văn Lợi ở ấp Nhì, xã Châu Khánh (Long Phú) giới thiệu nông cụ đục lỗ màng phủ.

Phó Bí thư Xã đoàn Châu Khánh Nguyễn Hồng Phiêm chia sẻ: “Với quyết tâm cống hiến sức trẻ vì địa phương, đoàn viên, thanh niên Xã đoàn Châu Khánh luôn cố gắng thực hiện tốt các phần việc được Đảng ủy, UBND xã Châu Khánh giao. Trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi góp sức bằng cách lập kế hoạch xây dựng các chương trình phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên địa phương trồng màu, luân canh lúa - màu và chăn nuôi. Chủ yếu, chúng tôi lấy thực tế để chứng minh cho bà con thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp”. 

Không dừng lại ở đó, Xã đoàn Châu Khánh còn hướng dẫn, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Điển hình như chị Nguyễn Thị Loan - đoàn viên Xã đoàn Châu Khánh đã vay được 15 triệu đồng mua 2 con dê và xây dựng chuồng trại thực hiện mô hình chăn nuôi dê. Từ các mô hình trực quan đó, việc tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp dễ dàng hơn rất nhiều. Anh Huỳnh Văn Lợi - nông dân ở ấp Nhì (Châu Khánh) bộc bạch: “Bà con nông dân mình cứ thấy ai làm được, có hiệu quả thì sẽ học hỏi và làm theo thôi”.

Là một trong những nông dân sớm chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, vào thời điểm 5 năm trước, anh Lợi chuyển đổi 1,5 công ruộng để trồng dưa leo với chi phí khoảng 15 triệu đồng/công vừa cải tạo đất, vừa sắm sửa tre, lưới làm dàn leo, hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Từ lúc trồng, khoảng 32 ngày sau thì dưa leo bắt đầu cho thu hoạch liên tục trong 1 tháng. Trung bình mỗi công dưa leo trồng trên đất lúa trúng mùa sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn trái.

Để tiết kiệm thời gian tưới tiêu, cũng như xuống giống, anh Lợi đã tự chế tạo ra các nông cụ phục vụ nhu cầu trồng màu của mình. Để thuận tiện cho việc tưới tiêu, anh cải tạo máy phát cỏ bằng cách lắp vào 2 chiếc muỗng (thìa) ăn cơm để cản nước đẩy vào các luống đất. Thay vì phải đi dọc theo các rãnh nước và tát nước lên rất mất thời gian, công sức, mỗi lần anh Lợi tưới bằng máy phát cỏ cải tạo như vậy chỉ cần đi dọc theo một rãnh nước sẽ tưới được đến 4 mé luống màu (do lực nước từ máy phát cỏ mạnh đẩy lên được khoảng rộng). 

Để xuống giống khi đã phủ màng ni-lông, trước nay bà con nông dân vẫn thường dùng lon sữa bò đã qua sử dụng để than vào tạo sức nóng đục lỗ chỗ ni-lông cần gieo hạt. Anh Lợi chế tạo ra dụng cụ đục lỗ bằng cách cắt một mảnh thiếc, tạo răng cưa 1 đầu, cuộn tròn thành hình ống rồi nối vào một thanh tre. Anh Lợi chia sẻ: “Trước giờ, bà con đục lỗ bằng lon sữa bò để than như vậy vừa tốn than lại có khuyết điểm là lúc trời mưa thì không làm được. Mình chế ra dụng cụ này chỉ tốn chừng 20.000 đồng là có thể làm được rồi, lại có thể sử dụng được cả khi mưa”. 

Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng màu vẫn còn hạn chế ở chỗ mỗi nông dân không thể tự trồng trọt trên diện tích đất lớn. Cá nhân anh Lợi có 50 công ruộng nhưng chỉ có thể chuyển đổi sang trồng 4 công màu gần nhà để tiện chăm sóc, còn lại vẫn trồng lúa. Với việc rất nhiều hộ nông dân tại địa phương cùng chuyển sang trồng màu nhưng anh Lợi vẫn rất lạc quan: “Cho tới thời điểm này, tôi thấy nhu cầu về màu trên thị trường vẫn còn rất lớn. Thời gian tới, nếu có nhiều người trồng dưa leo, tôi sẽ nghiên cứu trồng loại hoa màu khác mà thị trường có nhu cầu”. 

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn cho biết thêm: “Chi phí đầu tư cho trồng màu cao hơn trồng lúa. Trung bình mỗi công trồng màu phải đầu tư khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vụ 2 trở đi, nhiều vật liệu có thể tái sử dụng, như: lưới, màng phủ, giàn leo… nên chi phí đầu tư giảm xuống chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/công. Chuyển đổi cơ cấu sang trồng màu đã hỗ trợ phát triển kinh tế cho nhiều gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. 

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: