• Huyện Long Phú

Lợi ích khi vào hợp tác xã

03/01/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 03/01/2018 | 13:00

STO - Là một trong những huyện chuyên canh về cây lúa, Long Phú đã từng bước chuyển đổi các giống lúa chất lượng thấp sang trồng các giống lúa chất lượng cao, có giá trị kinh tế hơn. Để người dân tích cực hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm sau thu hoạch, huyện đã thành lập nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nhằm tạo mối liên kết thống nhất trong sản xuất cũng như tạo điều kiện cho người dân trao đổi kinh nghiệm và mục tiêu chính là tăng năng suất lúa, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống nông hộ.

Ghé thăm HTX Nông nghiệp Thành Công ở xã Phú Hữu (Long Phú), chúng tôi có dịp gặp gỡ các thành viên đang chuẩn bị xuống ruộng lấy những mẫu lúa gởi đi kiểm nghiệm nhằm tạo chuỗi sản xuất lúa an toàn. Các thành viên đều khẳng định và chắc chắn sản phẩm lúa được lấy tại cánh đồng tham gia trong HTX đều đạt độ an toàn vệ sinh thực phẩm vì khi canh tác, tất cả thành viên sản xuất áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật do đơn vị bao tiêu đề ra ngay đầu vụ. Vì hạt gạo do HTX sản xuất ra đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nên HTX đang hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị cho hạt gạo và dần hình thành cả khu vực HTX thành nơi sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. 

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Võ Văn Phúc và các thành viên lấy mẫu lúa kiểm nghiệm “lúa an toàn”.

Đưa tay nâng những khóm lúa vàng óng chuẩn bị thu hoạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Võ Văn Phúc thông tin: “HTX có tổng số 48 thành viên, với số diện tích canh tác 50ha. Dù mới nâng cấp thành HTX chưa lâu nhưng hiệu quả trong những ngày khởi đầu từ THT đã tạo được uy tín với nhiều hộ dân. Bằng chứng là rất nhiều nông dân tự nguyện xin tham gia vào HTX, bởi họ nhận thấy nếu cứ sản xuất riêng lẻ thì việc tiêu thụ lúa sau thu hoạch rất khó khăn. Lợi thế của HTX là ngay từ lúc mới đi vào hoạt động, lúa đều được bao tiêu nên nhiều thành viên an tâm, bởi họ tính được lợi nhuận khi lúa mới bắt đầu xuống giống. Điều quan trọng hơn hết là thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể khi áp dụng sản xuất tại cánh đồng với cùng một loại giống, cùng một quy trình canh tác và sử dụng cùng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được đơn vị bao tiêu cung ứng trực tiếp với giá gốc”.

Sợ điều mình chia sẻ mang tính cá nhân, ông Phúc đề nghị chúng tôi gặp trực tiếp thành viên: “Nếu như bản thân tôi nói thì sợ chưa được khách quan, để chính những người nông dân họ tham gia vào HTX nhìn nhận vấn đề sẽ hay hơn, thực tế hơn”. Sau đó ông Phúc giới thiệu chúng tôi với ông Phạm Văn Nhỏ, thành viên “kỳ cựu” tham gia HTX từ những ngày mới khởi động THT cho đến nay.

Vừa gặp chúng tôi, ông Nhỏ hồ hởi: “Mấy hôm rồi, nghe thông tin bão về lo lắng sợ bão vào thì lúa sẽ bị đổ ngã, thu hoạch ít nhiều khó khăn, nhưng may mắn bão đi chệch hướng nên bà con nhà nông chúng tôi mừng lắm”.

Đưa tay chỉ đám ruộng đang độ chín vàng, ông Nhỏ tiếp lời: “Hơn 30 năm gắn bó cùng cây lúa, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có ngày mình sẽ tính được tiền lãi khi lúa mới gieo sạ, nhưng vài năm nay thì số tiền lãi đã nằm chắc trong tay khi bắt đầu mùa vụ mới. Đây thật sự là mong mỏi lớn nhất của người nông dân, bởi làm nông quanh năm bám ruộng đồng nếu lợi nhuận trước mắt tính toán được thì còn gì hơn. Thật sự nếu không tham gia HTX chắc chắn tôi vẫn còn long đong tìm kiếm thương lái thu mua lúa sau thu hoạch và chi phí sản xuất luôn ở mức cao. Với 2ha lúa, canh tác 2 vụ/năm, sản lượng ước đạt 28 tấn, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận cầm chắc không dưới 60 triệu đồng. Thực tế lợi nhuận cao bởi đầu tư ban đầu thấp, từ khâu làm đất, giống đến việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều có liều lượng hợp lý, được nhà đầu tư đưa tới tận nhà. Tôi mong rằng tới đây, HTX sẽ hình thành ngày càng nhiều để người dân tham gia cũng như các doanh nghiệp trực tiếp ký kết cùng HTX thu mua lúa, giúp nông dân cải thiện cuộc sống và doanh nghiệp tăng doanh thu, đôi bên cùng có lợi”.

Khi vào HTX thì việc tâm đắc nhất của bà con là được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp giảm 40% lượng giống gieo sạ, giảm 30% phân bón, thuốc hóa học và được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với bà con làng xóm. Trước đây, do cứ nghĩ hễ sạ lúa dày thì năng suất chắc cao hơn so với sạ thưa. Tuy nhiên, khi vào HTX thì quy trình làm lúa như trên là không đúng, trái lại việc sạ thưa giúp năng suất lúa tăng hơn do lúa nở bụi tốt, ít sâu bệnh tấn công.

Đặc biệt vào HTX không cần lo chạy tìm máy xới đất vào đầu vụ hay máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, tất cả đều có HTX lo liệu hợp đồng với các chủ máy và việc tiêu thụ lúa đã có doanh nghiệp bao tiêu, chỉ việc lúa chín đem bao ra đồng giao chủ máy gặt, ngồi trên bờ ruộng chờ cân lúa, đếm tiền. Và điều đặc biệt là khỏi lo bị thương lái ép giá lúc lúa xuống giá. Bởi đầu vụ, doanh nghiệp bao tiêu đã nêm yết giá sàn cho thành viên nếu lúa sụt họ vẫn mua bằng giá quy định ban đầu, còn giá lúa lên thì họ mua theo đúng giá thị trường, đấy là cái lợi quá lớn của nông dân. “Do thuận lợi nhiều khi vào HTX, dự định tới, tôi sẽ mua thêm 1 hay 2ha đất trồng lúa để canh tác nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình” - đó là lời chia sẻ chân thành của ông Lê Văn Tấn, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Qua thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đơn vị đã tập trung vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi trồng các giống lúa chất lượng cao nhằm tiêu thụ tốt trên thị trường và thuận lợi hơn trong việc kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu lúa. Tuy nhiên, tình hình bao tiêu lúa trên địa bàn huyện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX Nông nghiệp Thành Công nhiều năm qua đã duy trì việc liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp là việc đáng biểu dương, bởi có liên kết từ sản xuất đến bao tiêu người dân mới tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, cải thiện thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương cũng như giúp huyện đạt một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: