• Huyện Châu Thành

Phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào Khmer

11/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/04/2018 | 06:00

STO - Vào hợp tác xã (HTX), bà con được nhiều lợi ích khi được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học nghề, xuống giống lúa cùng thời điểm, tham gia cánh đồng mẫu tập trung, mua vật tư nông nghiệp với giá ưu đãi; còn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, các sản phẩm đan đát được thu mua tận nhà với giá hợp lý... Đó là niềm vui chung của các thành viên HTX Làng nghề Phú Tân chia sẻ cùng chúng tôi.

Phó Giám đốc HTX Làng nghề Phú Tân (Châu Thành) Lý Minh Tâm thông tin: “HTX Làng nghề Phú Tân có tổng số 30 thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: đan đát, sản xuất cốm dẹp, làm hàng thủ công mỹ nghệ nhằm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân và trưng bày nghệ thuật. Đồng thời, thành viên HTX còn sản xuất nông nghiệp bằng cách xây dựng các cánh đồng lúa tập trung, phát triển vùng trồng các loại rau, củ, quả trong nhà lưới”.

Cũng theo ông Tâm, ngoài các lĩnh vực hoạt động trên, bà con xã viên HTX còn kinh doanh nông sản an toàn, liên kết thu mua rau an toàn của người dân và thành viên để đưa rau màu đến các quán ăn, trường học, kể cả siêu thị. Riêng với mặt hàng đan đát, HTX còn chú trọng khâu đầu ra, kêu gọi các thương lái thu mua hàng của thành viên với giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho thành viên sau khi bán sản phẩm. Chính từ cách làm đó đã tạo được niềm tin cho người dân khi vào HTX. Họ thấy rằng có nhiều lợi ích thật sự, khi cùng nhau kết nối sản xuất thì số lượng hàng hóa tăng lên, hàng bán được giá hơn và tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt”.

Chị Thạch Thị Mỹ Nhung ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) bên những chiếc cần xé do chính tay mình làm ra.

Đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt đưa từng nẹp trúc đan xen lại với nhau, thấy khách ghé nhà, bà Lâm Thị Nết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân vui vẻ bộc bạch: “Tôi theo nghề đan đát hơn 40 năm, có thể nói gần như thuộc lòng từng công đoạn của nghề nên thấy nó nhẹ nhàng và phù hợp với mọi lứa tuổi, từ trẻ con đến người già. Mỗi ngày tôi làm được 4 cần xé, trừ chi phí bỏ túi 70.000 đồng”.

Cũng theo bà Nết, nếu như trước đây, khi làm xong sản phẩm phải chờ thương lái cả tuần mới tới gom hàng một lần thì hiện tại, ngày nào họ cũng đến lấy hàng bởi được HTX hỗ trợ liên kết tiêu thụ. Nhờ đó tiền vào túi đều đều nên việc chi tiêu trong gia đình thoải mái hơn. HTX còn hỗ trợ tập huấn nâng cao tay nghề cho thành viên cũng như tạo đồng vốn xoay vòng mua thêm nguyên vật liệu về làm. Số tiền lợi nhuận từ bán sản phẩm sẽ dành dụm tích lũy chăm lo cho các cháu học hành. “Tôi nhận thấy vào HTX là cần thiết, để bà con làm nghề trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và bán hàng cùng mức giá, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, mặc dù cùng loại hàng hóa làm ra”, bà Nết cho biết thêm.

Phấn khởi khi trở thành thành viên HTX, chị Thạch Thị Mỹ Nhung ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân (Châu Thành) chân tình thổ lộ: “Hơn 30 tuổi đời nhưng tôi đã có 20 tuổi nghề, từ lúc chập chững biết đi là đã làm quen cùng cây tre, cây trúc và khi lên 7 tuổi là thạo công việc đan đát phụ giúp gia đình. Qua 20 năm làm nghề, tất cả công việc như: lựa chọn nguyên liệu cây trúc làm cần xé cho đẹp tôi đều am hiểu, chẻ tre, trúc đan thành thành phẩm trở thành chuyện thường ngày như cơm bữa. Nếu nhiều người sợ cầm dao, cầm búa vì lo đứt tay thì ở làng nghề này, các vật dụng đó như người bạn vậy. Tuy đã là nghề truyền thống nhưng thời gian gần đây hàng sản xuất bán trên thị trường khá khó khăn do phải cạnh tranh với các mặt hàng nhựa. Tuy nhiên, người dân làng nghề đã yên tâm hơn khi HTX hình thành, giúp thành viên tiêu thụ tốt hàng hóa, nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống. Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của gia đình, ngoài việc làm công nhật tại công ty thủy sản, tối về tôi tranh thủ đan thêm cần xé, mỗi tháng kiếm được thêm 1,5 triệu đồng, cộng thêm tiền làm ở công ty xem như gia đình chi tiêu thoải mái”.

Phó Giám đốc HTX Làng nghề Phú Tân Lý Minh Tâm cho biết thêm: “Làng nghề Phú Tân đã hình thành từ rất lâu và nơi đây tập hợp hầu hết các nghề đan đát từ đan lợp, lờ, rổ xúc tôm cá, thúng, nia, xịa, cần xé... Tuy nhiên, với xu hướng phát triển như hiện tại, các sản phẩm công nghiệp đan chiếm lĩnh thị trường đã ảnh hưởng đến nghề đan truyền thống của thành viên HTX. Chính vì vậy, để duy trì và phát triển nghề đan đát, HTX đã hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩn là liên kết các cơ sở thu mua hay tìm thương lái lớn tiêu thụ hàng đan đát. Đồng thời, HTX liên hệ các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, giới thiệu các mẫu đan với nhiều loại sản phẩm theo hình thức thu nhỏ, làm quà lưu niệm để bán cho du khách, nhằm giúp thành viên tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: