• Huyện Trần Đề

Viên Bình đẩy mạnh giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer

16/11/2017 07:12 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 16/11/2017 | 07:12

Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã Viên Bình (Trần Đề) tập trung huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển cơ sở vật chất gắn với đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều hộ nghèo trong đồng bào Khmer. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo từ 28,51% nay giảm xuống còn 5%.

Những năm trước, Viên Bình là xã nghèo, có đến 73% đồng bào Khmer sinh sống, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của đồng bào Khmer địa phương. Trước yêu cầu đặt ra, Đảng bộ xã luôn quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của trên và vốn do nhân dân đóng góp... Hiện cơ sở hạ tầng xã Viên Bình được đầu tư phát triển đồng bộ về lộ giao thông liên xã, liên ấp, điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt, trường học, trạm y tế và các công trình khác đều được kiên cố hóa, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Tánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Viên Bình cho biết: “Mặc dù cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng, nhưng điều mà Đảng bộ trăn trở là tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, công tác giảm nghèo trong thời gian qua được triển khai thực hiện, nhưng chưa thật sự bền vững, nhiều hộ tiếp tục rơi xuống tiêu chí hộ nghèo. Xác định đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, từ đó Đảng bộ chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm gắn với triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo trong đồng bào Khmer về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho con em hộ nghèo trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường, khám và điều trị bệnh miễn phí, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Từ việc hỗ trợ vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Đức ở ấp Lao Vên, không chỉ thoát nghèo mà còn tạo được một cơ nghiệp khá vững chắc. Anh Đức chia sẻ: “Bản thân là hộ nghèo, nên tôi luôn ý thức được phải cần cù lao động, sản xuất, kinh doanh mới thoát được nghèo. Thông qua hội nông dân xã, tôi được hỗ trợ vốn vay ưu đãi cộng với vốn tích lũy từ việc làm thuê và được tập huấn kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, tôi mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất sản xuất lúa thuần nông sang sản xuất lúa cao sản, nuôi trồng thủy sản và đưa màu các loại xuống chân ruộng… Đất không phụ người chịu khó, trừ hết chi phí, chi tiêu gia đình, năm nào gia đình tôi cũng có dư. Từ đó gia đình tích lũy đến năm 2017 sang được 55 công đất, hiện tổng diện tích đất sản xuất được 60 công. Tính tổng thu nhập của gia đình hàng năm gần 400 triệu đồng”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, hàng năm anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lượt lao động nghèo tại địa phương, có thu nhập ổn định để cải thiện đời sống. Anh còn cho mượn đất, vốn, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh với mong muốn giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững và vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Anh Lâm Hông ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình (Trần Đề) bên dàn máy cày mới mua.

Từ giã hộ anh Đức, tôi được anh Hà Thanh Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên Bình hướng dẫn đến hộ anh Lâm Hông ở ấp Trà Ông. Đây là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, từ đôi bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Xuất phát từ hộ nghèo nhờ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi và sự quan tâm của hội nông dân xã giúp anh nâng cao kỹ thuật trồng trọt. Anh chỉ chăm lo sản xuất lúa, kết hợp nuôi heo, nhờ vậy mà anh thoát nghèo. Sau thời gian thấy việc trồng lúa đạt hiệu quả kinh tế chưa cao, lúc này anh đã tích lũy được một số vốn khá khá nên anh đầu tư mua 2 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày đời mới, lò sấy lúa, kết hợp phát triển nuôi heo thịt, heo giống… 

Anh Hông cho biết: “Nhà ít lao động, tuổi ngày càng cao, sức khỏe kém không sản xuất lúa được, nên từ năm 2014 đến nay tôi chuyển sang mua máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, kết hợp chăn nuôi, cày đất thuê”. Bốn loại hình này phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và bà con địa phương, giúp anh có vốn tăng diện tích đất canh tác của gia đình lên 120 công và giải quyết việc làm cho nhiều lượt lao động nghèo tại địa phương. Hàng năm trừ chi phí sản xuất, nhân công, anh thu lợi nhuận gần 600 triệu đồng. 

Đồng chí Nguyễn Văn Tánh cho biết thêm: “Hiện trên địa bàn có hàng chục hộ nghèo, nay đã thoát nghèo và đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Trong thời gian tới, Đảng bộ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các hộ duy trì có hiệu quả các mô hình và mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và gia đình. Bên cạnh đó, chọn các mô hình đã nêu nhân rộng trong toàn xã, để đồng bào các dân tộc thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo học hỏi và làm theo, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo theo hướng bền vững và phấn đấu trong năm 2018, xã Viên Bình không còn hộ nghèo”.

Thanh Sơn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: