• Sức khỏe và Đời sống

Phòng bệnh giai đoạn chuyển mùa

28/05/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 28/05/2018 | 13:00

STO - Thời điểm này, số ca sốt xuất huyết, tay - chân - miệng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, theo dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, do bước vào đầu mùa mưa, mật độ côn trùng, tuýp vi rút thay đổi sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh. Mặt khác, các bệnh lây theo đường tiêu hóa luôn có nguy cơ bùng phát do việc khó kiểm soát trong giao lưu hàng hóa…

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 22-5-2018, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 260 bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi điều trị sốt xuất huyết, với số ca mắc dưới 15 tuổi chiếm đa số và bệnh tay - chân - miệng là hơn 100 ca. Các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao là TP. Sóc Trăng (52 ca), TX. Vĩnh Châu (45 ca), Mỹ Xuyên (42 ca).

Theo đó, tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, số lượng bệnh nhân đến khám điều trị cũng tăng, nhất là ở các trẻ nhỏ và người cao tuổi. Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh đã tiếp nhận bệnh sốt xuất huyết từ quý I năm 2018 nhưng các ca bệnh tăng cao vào tháng 4 và 5, tuy vậy vẫn giảm so cùng kỳ. Tính đến ngày 22-5-2018, tiếp nhận và điều trị 39 ca sốt xuất huyết, 14 ca tay - chân - miệng, thủy đậu 15 ca, bệnh lý hô hấp 1.129.

Bà Kim Thị Dư, ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa (TX. Vĩnh Châu) phụ huynh của bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh bộc bạch: “Thấy cháu nóng sốt nên đưa vào Trung tâm Y tế TX. Vĩnh Châu khám mới biết cháu bị sốt xuất huyết, sau đó chuyển lên Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh điều trị. Mấy ngày nay thấy cháu khỏe nhiều rồi. Bây giờ gia đình cũng cảnh giác lắm, cho các cháu và cả người lớn ngủ mùng ngay cả ban ngày để tránh bị muỗi cắn, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, lu khạp chứa nước để không có lăng quăng, không có muỗi để phòng mắc sốt xuất huyết”.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh.

Bên cạnh đó, bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và cơ số thuốc điều trị những ca sốt xuất huyết. Hiện tại, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhi sốt xuất huyết, đa số là ca bệnh nhẹ và được điều trị tích cực đến khi bình phục.

Bác sĩ Hồng Tuấn Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh chia sẻ: “Để chủ động phòng, tránh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, cũng như các loại dịch bệnh thường gặp mùa hè, ngoài các biện pháp phòng, chống tại gia đình như: ngủ mùng, giữ gìn vệ sinh xung quanh nhà, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, diệt lăng quăng…, các bậc phụ huynh khi phát hiện các cháu bị sốt cao liên tục, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám, theo dõi và điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị ở nhà. Đặc biệt, biện pháp phòng, chống dịch bệnh quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng”.

Thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh các bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng đều giảm so cùng kỳ năm 2017; không tập trung gây thành dịch lớn và cũng chưa phát hiện ca bệnh tử vong do các bệnh này. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành hoạt động chuyên môn, như: thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 1; tăng cường công tác giám sát, cập nhật ca bệnh, giám sát mật độ côn trùng trung gian truyền bệnh, xử lý ổ dịch…

Tuy nhiên, tình hình sốt xuất huyết lại diễn biến phức tạp ở TX. Vĩnh Châu với đa số ca nặng đều tập trung ở đây (17/22 ca nặng toàn tỉnh) và tập trung chủ yếu tại địa bàn ấp Đại Bái A, xã Lạc Hòa. Hiện tại, Trung tâm Y tế thị xã đã tiến hành xử lý ổ dịch tại ấp Đại Bái A, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành kiểm tra và chuẩn bị biện pháp xử lý tiếp theo nếu tình hình không cải thiện.

Bác sĩ Vương Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX. Vĩnh Châu cho hay: “Đơn vị chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, nhất là sốt xuất huyết, tay - chân - miệng. Trung tâm Y tế thị xã tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng trong tháng 4. Riêng tại xã Lạc Hòa, cuối tháng 4 số ca sốt xuất huyết tăng đột biến nhưng sau đó giảm dần. Thời gian tới, tăng cường giám sát, điều tra ca bệnh để kịp thời phát hiện ca bệnh mới; xử lý ổ dịch không để sốt xuất huyết lây lan rộng”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thanh Liêm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “So với cùng kỳ năm 2017, số ca sốt xuất huyết giảm hơn 50%, tay - chân - miệng giảm hơn 60%. Tuy nhiên, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, theo dự báo bệnh sốt xuất huyết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, dựa vào mật độ côn trùng, mưa nhiều, dự đoán chuyển tuýp vi rút nên có khả năng sẽ bùng phát dịch ở một số huyện. Bệnh tay - chân - miệng cũng đang xuất hiện; các bệnh lây theo đường tiêu hóa luôn có nguy cơ bùng phát do việc khó kiểm soát trong giao lưu hàng hóa, cũng như điều kiện môi trường chưa được cải thiện tốt. Do đó, ngoài các hoạt động chuyên môn của ngành y tế đang triển khai tại các tuyến, mỗi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu phát hiện ca bệnh, người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất để được điều trị, xử lý kịp thời.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: