• Sức khỏe và Đời sống

Quy trình báo động đỏ cứu sống nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”

20/03/2020 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 20/03/2020 | 09:00

STO - Thời gian qua, nhờ thực hiện quy trình báo động đỏ, nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được cứu sống. Đây cũng là sự thay đổi lớn trong cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng và toàn ngành y tế nói chung nhằm mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc cũng như mang đến chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất để phục vụ người bệnh.

Quy trình báo động đỏ mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc cũng như mang đến chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất phục vụ người bệnh. Ảnh: KGT

Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại giây phút “thập tử nhất sinh” khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, anh D.M.T, ngụ xã Thuận Hòa (Châu Thành) vẫn rùng mình ớn lạnh và hết lời cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ đã cứu chữa cho anh bình phục. Anh được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trưa ngày 14-2-2020 trong tình trạng lơ mơ, choáng do có vết thương đâm thấu ngực phải làm mất nhiều máu. Bác sĩ chẩn đoán nghi đứt mạch máu lớn trong lồng ngực cũng như tổn thương tim, phổi. Bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ, khẩn trương phẫu thuật và 2 giờ sau ca phẫu thuật thành công.

Cũng được cấp cứu thành công nhờ quy trình báo động đỏ là trường hợp của ông K.H.S, 59 tuổi, ngụ xã Phú Tâm (Châu Thành) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào hạ tuần tháng 2-2020 trong tình trạng ngưng tim nhiều lần, được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim tối cấp. Bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ để điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ tiếp tục hồi sinh tim phổi, tiêm thuốc trợ tim, đặt ống thở, máy thở để duy trì sự sống cho người bệnh, chuyển thẳng lên Phòng Thông tim can thiệp tim mạch - Khoa nội Tim Mạch, Lão học để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhân được phẫu thuật đặt stent động mạch vành tại chỗ bị tắc, sau đó mạch máu bình thường, tim phục hồi dần, khoảng 1 giờ sau huyết áp, nhịp tim trở về bình thường. Một ngày sau tình hình bệnh nhân đã cải thiện tốt và xuất viện vài ngày sau đó.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị, cấp cứu thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhờ sự hỗ trợ của quy trình báo động đỏ. Theo đó, quy trình báo động đỏ bắt đầu được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào năm 2017 với mục tiêu xây dựng quy trình phối hợp cấp cứu các trường hợp chấn thương nguy kịch cần phối hợp nhiều chuyên khoa trong bệnh viện. Khẩn trương đưa người bệnh vào phòng mổ, vừa hồi sức vừa tiến hành mổ ngay. Bác sĩ Trương Thái Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Thay vì mất khoảng 30 phút như quy trình bình thường, báo động đỏ chỉ cần 5 phút, bệnh nhân chuyển thẳng từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ, bỏ qua hết các khâu thủ tục hành chính để ưu tiên cấp cứu cho người bệnh”.

Quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt khi người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch hoặc đang điều trị nội trú đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch và cần phải can thiệp phẫu thuật, thủ thuật khẩn cấp (trong khả năng của bệnh viện có thể giải quyết được) như: vết thương thấu ngực có choáng, vết thương tim, vết thương cổ có tổn thương mạch máu lớn, vết thương thấu bụng có choáng, vết thương ngực bụng có choáng, chấn thương bụng kín có choáng mức độ nặng, vết thương ngực hoặc bụng do hỏa khí.

Khi đó, tùy theo tình trạng của người bệnh mà quyết định các chuyên khoa nào sẽ được huy động và phải có mặt trong vòng 5 phút. Bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp đánh giá, phân loại tình trạng người bệnh, triển khai việc cấp cứu người bệnh, phân công công việc cho các thành viên trong khoa và đảm bảo cấp cứu. Khi người bệnh đủ tiêu chuẩn “báo động đỏ”, bác sĩ hoặc điều dưỡng nơi khoa cấp cứu sẽ thực hiện việc báo động đến các bộ phận liên quan. Quy trình này yêu cầu toàn bộ ê kíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất có thể, có thể bỏ qua một số khâu cấp cứu thông thường (như hội chẩn, xét nghiệm máu, xquang, siêu âm…). Phòng mổ phải được chuẩn bị sẵn sàng trong vòng 30 phút kể từ khi có báo động đỏ. Quy trình này áp dụng đối với tất cả các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ và nhân viên có liên quan đến việc cấp cứu của bệnh viện.

Bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Minh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Từ khi quy trình báo động đỏ ra đời, thời gian qua đã cứu sống được nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh”. Đây cũng là sự thay đổi lớn trong cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng nói riêng và toàn ngành y tế nói chung nhằm mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc cũng như mang đến chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất để phục vụ người bệnh”.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: