• Biển đảo quê hương

Ký sự: Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 1

10/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Sáu, 10/02/2017 | 06:00

Ngôi chùa trên đảo - một chứng tích lịch sử

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Chúng tôi có dịp tham gia chuyến hành trình về địa chỉ đỏ tại huyện Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng các cán bộ, đoàn viên thuộc các chi đoàn các ban đảng, đoàn thể trong tỉnh. Khởi hành từ Sóc Trăng lúc 23 giờ đi TP. Hồ Chí Minh để đến sân bay Tân Sơn Nhất. Với quãng đường chim bay chỉ dài 253km, thời gian bay từ Tân Sơn Nhất đến Côn Đảo độ 45 phút. Khi máy bay dần hạ độ cao để đáp xuống sân bay Cỏ Ống, khung cảnh ngoài ô cửa sổ khiến người ta xao lòng. Biển và trời liền một màu xanh, những gợn mây trắng muốt bay là là trên mặt biển càng làm tăng thêm phần kỳ vĩ. Bên dưới những gợn mây đó, những hòn đảo, ngọn núi, vịnh hõm sâu vào đất liền thoắt ẩn thoắt hiện càng làm cho khung cảnh như nửa hư, nửa thực.

Từ sân bay Cỏ Ống, chúng tôi được di chuyển bằng chiếc xe to nhất đảo (30 chỗ) do anh Quang - tài xế “thổ địa” cầm lái để đến Nhà khách Côn Đảo cách đó gần 15km. Là một quần đảo cách xa đất liền (điểm gần nhất là ở xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cũng cách đến 40 hải lý nên Côn Đảo khá khan hiếm về nguồn hàng hóa. Cả các phương tiện di chuyển trên đảo cũng được vận chuyển từ đất liền bằng đường hàng hải hoặc hàng không nên chiếc xe 30 chỗ này thực sự là chiếc xe to nhất đảo theo nghĩa đen. Anh Quang còn cho biết thêm: “Ngoại trừ hải sản, các thứ lương thực, thực phẩm khác, nhất là trái cây thì giá luôn cao hơn so với đất liền do đội thêm phí vận chuyển”.

Đoàn tham gia hành trình về địa chỉ đỏ tại Vân Sơn tự. Ảnh: ANH THỤY

Hiện nay, Côn Đảo là một huyện có chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn dân cư, không có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76km2 với 16 đảo (hòn) lớn nhỏ. Trong đó đảo lớn nhất có diện tích 51,52km2 gọi là Côn Lôn hay Côn Đảo, là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội của huyện. 

Di tích đầu tiên đoàn chúng tôi đến tham quan trong chuyến hành trình là Vân Sơn tự (mà người dân trên đảo và cả khách du lịch vẫn quen gọi là chùa Núi Một do chùa tọa lạc tại núi Một). Theo lời kể của dân địa phương, chùa được đặt tên là Vân Sơn tự do những ngày mây mù chùa ở trên núi (sơn) thoắt ẩn thoắt hiện sau những áng mây (vân) trông như khung cảnh chốn bồng lai. Chùa được xây dựng vào năm 1964 nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho gia đình chúa đảo và gia đình công chức phục vụ cho bộ máy công quyền thời bấy giờ.

Với lịch sử 113 năm (1862 - 1975), Côn Đảo trải qua 53 đời chúa đảo. Dưới thời Mỹ ngụy, với chính sách “dùng người Việt trị người Việt”, 14 đời chúa đảo đều là người Việt nên nảy sinh nhu cầu cần có một ngôi chùa phục vụ tín ngưỡng của họ. Để xây dựng được chùa, chúng buộc người tù phải “lao động khổ sai” khiêng gạch, đá, ximăng… lên núi Một xây chùa.

Tượng Quán Thế Âm bồ tát bằng đá trắng trước chính điện Vân Sơn tự. Ảnh: ANH THỤY

Từ năm 2010 đến năm 2011, Vân Sơn tự được trùng tu và có diện mạo khang trang như hiện nay. Cổng tam quan của chùa là kiến trúc ximăng cốt thép giả cổ với biển đề: Vân Sơn tự. Bước qua cổng này, du khách men theo lối bậc thang đá khá hẹp để dẫn lên một đình vọng cảnh ở lưng chừng núi. Đứng ở đây có thể thấy toàn cảnh vịnh Côn Lôn, áng ngữ trước mặt tiền chùa là hòn Bảy Cạnh tạo thành bức bình phong tự nhiên cho Vân Sơn tự. Đi lên thêm một đoạn là chính điện của chùa. Trước chính điện có tượng thờ Quán Thế Âm bồ tát một tay bắt ấn cát tường, một tay cầm bình nước cam lộ trút xuống như đang ban phước lành.

Các kiến trúc thờ tự đều được xây dựng bằng cột gỗ, tường gạch và mái ngói dễ khiến người ta nghĩ đến kiến trúc đình, chùa của miền Bắc. Bước vào chính điện, mùi đặc trưng của trầm hết sức dễ chịu, các gian thờ và tượng thờ đều được sơn son thếp vàng. Ở vị trí trang trọng nhất là gian thờ phật với nhiều bộ tượng mà chúng tôi có thể thấy: Hoa Nghiêm tam thánh, Tây Phương tam thánh, phật Di Lặc,… Phối thờ 2 bên là thờ Đức Chúa Ông và Đức Thánh Hiền. Phía sau thờ Thập Điện Diêm vương, Quán Âm tọa sơn, Quán Âm quá hải. Nhà hậu điện thờ Tam tòa thánh mẫu, Đức Thánh Trần, Đạt Ma tổ sư, Trúc Lâm tổ sư và hòa thượng Thích Quảng Đức. Cách bài trí và phong cách tạc tượng này mang đậm phong cách miền Bắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trước năm 1975, kiến trúc và cả hệ thống thờ tự của Vân Sơn tự cũng còn khá đơn giản. Vì vậy có lẽ cả phong cách và kiến trúc hiện nay đều có sau đợt đại trùng tu vào năm 2011. Đây cũng là một điều hay, như là một sự điểm xuyết của phong cách và văn hóa chùa chiền miền Bắc giữa lòng biển đảo phương Nam, tạo điều kiện cho sự gặp gỡ và giao lưu văn hóa Nam - Bắc một nhà.

ANH THỤY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: