• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 10

03/02/2017 10:53 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Sáu, 03/02/2017 | 10:53

Nhà giàn Quế Đường và Khu vực DK1

Khu vực DK 1 là thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc nằm trên biển Đông. Hiện nay trên khu vực này, nước ta đã làm nhiều nhà giàn, có quân đồn trú bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Đây cũng là nơi tránh bão giông cho ngư dân, tàu thuyền trên biển Đông. Mọi người trên tàu đều nôn nao khi thấy xa xa nhà giàn Quế Đường  dần hiện ra. Tuy nhiên, sóng vẫn lớn, ầm ào như gào thét dù trời mới sáng hững đằng Đông. Tôi thấy nét mặt chỉ huy tàu đăm chiêu, lấy ống nhòm quan sát sung quanh rồi khẽ lắc đầu…

Đại tá Phạm Huy Tú cho biết: Theo các quy định trong công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà nước ta là một thành viên, quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài khoán quốc gia trên một vùng biển rộng gấp nhiều lần lãnh thổ đất liền; kiểm soát các tuyến hàng hải; làm chủ các vị trí chiến lược về quốc phòng cũng như các tài nguyên biển và lòng đất dưới đáy biển. Bởi những lẽ đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, một phần máu thịt của đất nước Việt Nam hiện đang bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực yêu sách chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo là một trong ba vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ mà chúng ta đang giải quyết và là vấn đề khó khăn nhất. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đòi hỏi chủ quyền mà còn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cường quốc và là yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định trên biển Đông.

Phút lưu luyến chia tay các chiến sĩ nhà giàn DK1. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Biển Đông có vai trò quan trọng đặc biệt cả về kinh tế – chính trị và an ninh – quốc phòng. Bờ biển nước ta dài 3.260km với nhiều cảng biển quan trọng, nhiều danh lam thắng cảnh và khu du lịch nổi tiếng. Trong 63 tỉnh, thành phố của nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta gắn liền với biển, như du lịch, dầu khí, thủy sản, giao thông vận tải, công nghiệp tàu thủy… Những năm qua, kinh tế biển và vùng ven biển đã đóng góp một phần đáng kể trong GDP của nước ta và xu hướng này đang ngày càng tăng lên.

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có 5 vùng biển: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng tiếp giáp lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý khi ta xác định xong ranh giới ngoài thềm lục địa và chứng minh phù hợp với các tiêu chí của Liên Hợp quốc. Đối với những vùng biển chồng lấn và các nước láng giềng, Việt Nam và các quốc gia ven biển khác có nghĩa vụ đàm phán với nhau để tìm kiếm một giải pháp công bằng; trong khi chờ đợi đàm phán phân định, các bên cũng có thể thỏa thuận về những dàn xếp tạm thời như thỏa thuận về đường quản lý tạm thời, về cùng khai thác… với điều kiện thỏa thuận tạm thời này sẽ không ảnh hưởng đến đòi hỏi chủ quyền của các bên liên quan và kết quả phân định cuối cùng giữa các bên. Chính vì những lẽ đó, khu vực DK 1 hiển nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam không thể chối cãi được.

Cuối cùng ước mơ của mọi người cũng đến biển. Nhà giàn Quế Đường đó, rất gần, nhìn thấy rõ lá  cờ Tổ quốc đỏ thắm bay phần phật trong gió. Bốn cây trụ sắt to đùng cắm xuống lòng biển sâu nhưng giữa biển mênh mông trông chúng mỏng manh quá. Nhà giàn nói chung có hai tầng, tầng dưới để lương thực dự trữ, phao cứu hộ; tầng trên là nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của bộ đội; tầng thượng là đài quan sát và tập thể dục thể thao, rèn luyện sức chiến đấu. Do sóng to biển động nên tàu phải thả neo từ xa, cách chừng 700 – 1.000m. Xuồng chuyên dụng cũng không thể nào thả xuống biển được, chỉ cần một lượn sóng lớn là lật úp ngay. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa tính nhiều phương án: Nếu biển dịu êm một chút thì chỉ huy tàu và trưởng đoàn các tỉnh sẽ xuống xuồng cặp nhà giàn hoặc có thể sẽ chở bộ đội sang tàu thăm mọi người, dù sao các anh cũng quen sóng gió hơn. Từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, cả đoàn thấp thỏm trông đợi nhưng biển vẫn không “dịu êm” mà càng lúc càng “giận dữ” hơn. Tôi mượn chiến ống nhòm quan sát cho rõ, thấy cả dòng chữ đỏ, khẳng định chủ quyền: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cánh nhà báo đăng ký tình nguyện “xung phong” khi biển “bớt giận” để được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt trên nhà giàn. Nhưng ông trời lại không chiều lòng người!

Nhà giàn Quế Đường gần đó mà như cách xa ngàn trùng. Từ trên tàu nhìn thấy những người lính đứng vẫy tay, bên này cũng thế. Chỉ còn cách dùng máy bộ đàm, loa chuyên dụng công suất rất lớn, báo cáo tình hình, hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau. Các chị trong Đoàn Văn công hát cho chiến sĩ nghe bên trong khoang lái (vì không ra lan can được do sóng lớn, có thể “rớt” xuống biển bất cứ lúc nào) và cùng các chiến sĩ hát qua loa chuyên dụng, qua máy bộ đàm. Nhìn cảnh tượng ấy, ai cũng xúc động không nói lên lời. Các chị trong đoàn đã khóc rất nhiều, đoàn Nghệ An còn đọc thơ mới sáng tác được do cảm xúc dâng trào cho chiến sĩ nghe. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa chỉ đạo bằng máy bộ đàm: “Các đồng chí ở lại phấn đấu rèn luyện, quyết tâm giữ vững vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc như nhiệm vụ đã được giao”. Từ máy bộ đàm bên kia, giọng chỉ huy cũng nghẹn ngào nhưng lạc quan, báo cáo với thủ trưởng, xin hẹn một dịp khác và không quên: “Chúc sức khỏe thủ trưởng, chúc sức khỏe tất cả mọi người trên tàu và hứa sẽ phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của người lính trên biển khơi”. Trong thâm thâm chúng tôi đều nghĩ, biết có lần sau được đi không để một lần gặp gỡ trên nhà giàn này? Đã có nhiều đoàn công tác trước cũng không thể cặp nhà giàn được như chúng tôi hôm nay. Những món quà của các tỉnh sẽ được mang ra khi có tàu vận chuyển tiếp tế, chắc phải là nửa năm sau.

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, nước ta phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên biển, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa nói chung và ở những nhà giàn trên biển Đông nói riêng đã có những đóng góp quan trọng, đáng biểu dương trong giữ vững chủ quyền vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Ba hồi còi vang lên, báo hiệu tiếp tục chuyến hải hành. Từ trên nhà giàn, các chiến sĩ đứng nghiêm chào và những bàn tay, những chiếc khăn vẫy chào. Tất cả đều ngậm ngùi, lưu luyến chia tay trong tiếc nuối. Những bàn tay trên tàu cũng vẫy mãi đến khi khuất dạng nhà giàn giữa trùng khơi, sóng dữ…

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: