• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 3

01/02/2017 21:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Tư, 01/02/2017 | 21:24

Bình minh trên biển cả

Đang chập chờn và chòng chành trong giấc ngủ, tôi bị đánh thức bởi những bước chân rầm rập của cánh nhà báo. Bình minh đã ló dạng trên biển Đông dù trời mới hơn 5 giờ sáng. Ở biển cả, trời sáng sớm hơn trong đất liền. Mặt trời to và đỏ au từ từ nhô lên khỏi mặt biển, sóng lô xô, mây ửng hồng rồi chuyển sang màu tím bầm. Những tia mặt trời đầu tiên tỏa xuống như những ánh hào quang, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Trên biển lúc này, hàng trăm tàu đánh cá và tàu hàng trọng tải lớn ngược xuôi, tấp nập. Chúng tôi đang đi trên hải phận quốc tế. Cánh nhà báo lăng xăng hết trên boong, đến mạn tàu; nhiệm vụ ai nấy làm. Tôi vươn vai và thả hồn mình trên biển cả. Đứng bên tôi ngắm bình minh lên, thượng tá Hoàng Minh Lý (đoàn Sóc Trăng) nhận xét: “Con người sao mà bé nhỏ quá so với biển cả mênh mông!”.

 

Khỏe để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Bỗng nhiên, có mấy bầy cá heo từ ngoài khơi nhào lượn hướng về chiếc tàu. Tất cả mọi người xôn xao hẳn lên, nhất là cánh nhà báo, nào quay phim, chụp hình. Cứ mỗi lần chúng nhào lượn là những tràng pháo tay vang lên. Ai nấy đều hớn hở. Thượng tá Ngô Văn Cải, nguyên đảo trưởng đảo Nam Yết nói nhỏ với tôi: “Chuẩn bị tinh thần tối nay sáng mai có gió lớn sóng to đó”. Thấy tôi ngần ngừ như chưa tin, anh nói thêm: “Đó là kinh nghiệm của những người đi biển truyền lại. Không tin hãy chờ xem”. Tôi thầm nghĩ, đi biển mà không có sóng lớn, gió to chắc cũng buồn lắm mà không dám nói ra, sợ mọi người sẽ trách móc. Dù gì thì hết đêm nay và sáng hôm sau là tới được đảo Trường Sa lớn rồi – nơi được mệnh danh là thủ phủ của quần đảo Trường Sa, vì có trụ sở UBND huyện và thị trấn đặt nơi này. Tàu cứ thẳng hướng Đông – Đông Nam rẽ sóng.

Đại tá Phạm Huy Tú – Trưởng Ban Dân vận Quân chủng Hải quân, đã nhiều lần đi kiểm tra quần đảo cho chúng tôi biết thêm chi tiết: Quần đảo Trường Sa còn được gọi với nhiều tên khác như Spratley… Ở khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão ở biển Đông nên đôi khi còn gọi là “Quần đảo bão tố”. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm, diện tích khoảng 160 -180.000km, nằm ở phía Đông – Đông Nam bờ biển Nam Trung bộ, trong giới hạn từ vĩ độ 6030’ vĩ Bắc đến 12000’ vĩ Bắc và từ 111030’ kinh Đông đến 117030’ kinh Đông thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong số hơn 100 đảo, bãi san hô, có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000km2. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elip. Bao quanh đảo là thềm san hô nước nông, ra khỏi thềm nước sâu đột ngột từ vài trăm mét đến hai – ba trăm ngàn mét. Đảo lớn nhất trong khu vực là đảo Ba Đình, có diện tích khoảng 0,6km2, tiếp theo là đảo Trường sa lớn và các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, diện tích mỗi đảo khoảng 0,1 – 0,2km2, các đảo khác có diện tích nhỏ hơn.

Độ cao của các đảo nhìn chung không lớn, khi thủy triều lên, những đảo có bình độ cao trên mặt nước khoảng 1,5 – 2 mét. Có khoảng 18 đảo lớn nhỏ không bị nước thủy triều lên cao làm ngập là có thể đóng quân. Do tác động của biển Đông, hình dạng các đảo nổi và các bãi đá ngầm thường xuyên bị biến dạng. Cấu trúc các bãi san hô thường trũng ở giữa tạo thành các hố, ngăn cách với biển xung quanh. Độ sâu hố trung bình từ 5 – 40 mét. Do không bị tác động trực tiếp của sóng và dòng chảy bên ngoài nên mặt nước hồ khá tĩnh lặng, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.

Trải qua biến đổi của thiên nhiên, san hô chết, lớp này chồng lên lớp kia, bị xâm thực gãy vụn thành các nhỏ đước sóng và dòng chảy mang đi vun thành các đảo nhỏ. Độ dày trung bình của các lớp đá vụn từ 15 – 58cm gắn kết với nhau khá chặt chẽ. Trong các lớp đá vụn san hô có lớp phân chim lẫn mùn cây có bề dày 5 – 10cm. Tuy nhiên, nên địa chất của từng đảo cũng có sự khác nhau, gây không ít khó khăn cho việc xây dựng các công trình phòng thủ đảo. Trên một số đảo có nước ngầm. Một số đảo lớn như Ba Bình, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử, Thị Tứ, Đảo Dừa, nước lợ tương đối nhiều, có thể tắm giặt. Khí hậu ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt so với các vùng biển ven bờ, mùa hè mát hơn, mùa đông ấm áp hơn và có thể chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4 mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau.

Tình đồng chí. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Ở vùng biển nước ta, quần đảo Trường Sa là nơi có lượng mưa hàng năm lớn nhất, số ngày nắng 270 ngày trong năm. Hàng năm ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đều trong các tháng. Các tháng 3, 4, 5 mỗi tháng chỉ có 2 – 6 ngày gió mạnh. Tháng 4 là tháng có ít ngày gió mạnh nhất, rất thuận lợi cho việc đi biển. Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam, số ngày gió mạnh tăng lên. Hiện tượng giông trên vùng biển Trường Sa rất phổ biến, quanh năm tháng nào cũng có, từ tháng 1 đến tháng 3 số ngày có giông ít hơn. Thực vật ở Trường Sa có 2 nguồn  gốc: sinh trưởng tự nhiên và do con người mang từ đất liền ra trồng. Thực vật sinh trưởng tự nhiên phổ biến là cây phong ba, cây bàng quả vuông, xương rồng, rau muống biển và một số cỏ sắc cạnh. Các loại mang từ đất liền ra như dừa, phi lao, bàng. Sinh trưởng của thực vật rất khó khăn vì đất cần cỗi, thiếu nước ngọt, gió mạnh, hơi nước mặn. Một số đảo thấp không có cây hoặc cây thưa thớt. Căn cứ vào cấu hình địa hình, địa chất, thủy văn, thảm thực vật và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm là: Song tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó, cụm Bình Nguyên có nhiều đảo và bãi đá ngầm nhất (khoảng 42 đảo, bãi đá ngầm).

Sáng sớm ngày thứ ba của chuyến hải hành, đảo Trường Sa hiện ra mờ mờ ảo ảo giữa muôn vàng sóng lớn và trong ánh bình minh của biển cả mênh mông. Quả thật lời anh Cải không sai, cả đêm bắt đầu sóng mạnh, tàu chòng chành và lắc lư. Trong đoàn Sóc Trăng, đồng chí Thúy Hằng và nhiều thành viên khác đã say sóng, nằm nhệch nhoài, uốn thuốc mà vẫn còn say. Chúng tôi đi lại cảm thấy khó khăn hơn, chân này đá chân kia, như người say rượu. Bước thấp bước cao, nghiêng qua ngã lại, trông rất vui mắt. Tuy vậy, nghe nói đến đảo đầu tiên, tinh thần ai nấy phấn chấn lên, ào ra mạn tàu để xem. Cánh nhà báo chuẩn bị phương tiện tác nghiệp để “ưu tiên” lên đảo đầu tiên.

Trường Sa giờ đang ở trước mắt chúng tôi, chỉ vài giờ nữa là được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mà mỗi chúng tôi ao ước bấy lâu, có khi cả trong mơ…

Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2007/NĐ-CP, ngày 11-4-2007 thành lập các đơn vị hành chính của huyện Trường Sa. Theo đó, huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) có ba đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: