• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 9

02/02/2017 17:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Năm, 02/02/2017 | 17:01

Đảo An Bang

Tàu chạy cả đêm trên Trường Sa đầy thú vị nhưng cũng lắm tiềm ẩn nguy cơ, nguy hiểm; vì đây là vùng “nhảy cảm” nhất, nhì trong quần đảo. Có rất nhiều chuyện xảy ra nhưng không thể nói ra được. Sóng biển bắt đầu ngày một lớn dần, khi gió đến cấp 6, cấp 7 biển động nhẹ. Mỗi lần như thế, trên tàu lại có thêm người say sóng, nằm vật vã; tàu thêm chòng chành, sóng đánh trùm lên cả boong, lên mạn tàu bên trái.

Trong màn sương sớm, từ xa đã thấy “mắt biển” đang soi đường cho các tàu thuyền qua lại. Nơi đây, gần hải phận quốc tế nên tàu thuyền xuất hiện khá nhiều, đủ các loại. Đại tá Phạm Huy Tú – Trưởng Ban Dân vận Hải quân cho biết: “Đảo An Bang là nơi sóng to gió lớn, tàu không thể cặp đảo được mà phải neo ngoài khơi, đi xuồng vào. Từ chỗ tàu đậu đến đảo khá xa, mọi người bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn. Tất cả mọi người đều phải thận trọng khi lên xuống tàu xuồng, vì sơ suất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trời càng trưa sóng càng lớn, vì vậy phải tuân thủ theo mệnh lệnh chỉ huy tàu, không tự ý nấn ná lại đảo khi có lệnh rút quân”.

Đảo An Bang - sắc màu ngọc bích. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đảo An Bang có tọa độ địa lý 7052’ vĩ độ Bắc và 112054’10” độ kinh Đông, cách đảo Trường Sa 71 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm dài theo hướng Bắc Nam, chiều dài khoảng 220 mét, chiều rộng phân bố không đều, chỗ rộng nhất khoảng 100 mét, chỗ hẹp nhất khoảng 15 – 20 mét. Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp nhất, độ cao của đảo khoảng 3 mét, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50 mét. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp. Bờ Nam dải cát thường thay đổi theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, các được bồi thêm thành một bãi các dài, đến tháng 8 bãi các này biến mất và dịch sang bờ phía Đông của đảo. Là một đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang mang đặc điểm tính chất khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa: mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Số ngày nắng nóng, giông bão lớn. Độ mặn trong hơi nước và không khí cao. Đảo không có nước ngọt. Thổ nhưỡng là cát san hô, bề mặt có phủ một lớp mùn mỏng, nghèo chất dinh dưỡng, rất khó cho cây cối phát triển. Mùa hè nắng, nóng, oi bức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, huấn luyện, sinh hoạt của bộ đội.

Nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo An Bang có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng. Về chính trị, đảo An Bang như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Về quân sự, cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên hướng biển; khống chế các máy bay quân sự, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia: kết hợp các ngư dân các địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trận địa chiến tranh nhân dân trên khu vực Nam Trường Sa. Về kinh tế, nằm gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ 2 trên thế giới, nếu được đầu tư, đảo An Bang là địa điểm làm dịch vụ hàng hải mang lại lợi nhuận cao. Hiện nay, đèn biển trên đảo đã xây dựng xong từ năm 1996 và đưa vào khai thác góp phần vào nguồn thu ngoại tệ của Nhà nước. Trên các lòng hồ của thềm san hô có nhiều loài tôm cá quý hiếm như cá ngừ, cá mú, tôm hùm, rùa biển, rất thuận tiện cho đánh bắt, chế biến xuất khẩu.

Nổi bật trên nền biển xanh, ngọn hải đăng trên đảo An Bang sừng sững, nhấp nháy như “mặt biển” soi đường cho tàu thuyền khi có bão giông, vì đảo này và khu vực xung quanh đảo có sóng gió rất bất thường. Nhiều đoàn công tác ra thăm trước đó không có cơ hội được đặt chân lên đảo vì sóng rất to, có thể lật úp chiếc xuồng chở quân bất cứ lúc nào. Chỉ đứng trên tàu nhìn nuối tiếc và trao đổi với nhau bằng máy bộ đàm hay loa chuyên dụng đuổi tàu nước ngoài. Có khi đợi cả ngày, sóng vẫn không thuyên giảm, đành phải nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình như hải trình đã định.

Đoàn chúng tôi may mắn hơn là được đặt chân lên đảo trong muôn vàn khó khăn. Lúc xuống xuồng, nếu không khéo léo nhanh nhạy, sóng đánh xuồng va vào mạn tàu có thể té xuống biển hay bị thương tích. Có mấy anh chị suýt chút nữa là để lại “cặp chân” cho biển cả vì sơ ý. Khi xuồng rời tàu chưa đầy 300 mét, do sóng quá to, ập nước ướt sũng cả người; phương tiện máy móc đã cho vào túi nhựa nên không sao; cánh nhà báo nam có người đã “xổ lòng” lên lưng đồng nghiệp, ngay cả trên xuồng, xuống biến; mặt mày không còn hột máu. Còn các cô văn công, khi xuống cặp được đảo đã ngất xỉu, bộ đội cõng lên đảo “cấp cứu”. Bận lên tàu lớn cũng như vậy, vừa vui vừa lo cho sức khỏe các thành viên.

Vì biển trời Tổ quốc thiêng liêng. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Với vị trí chiến lược quan trọng như thế, việc tăng cường giữ gìn đảo luôn được đặt lên hàng đầu. Theo thiếu tá Nguyễn Cát Khôi – Đảo trưởng đảo An Bang, nếu đảo bị chiếm sẽ chia cắt giữa Trường Sa với khu vực DK1, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia từ hướng Đông. Tại đảo, do đặc thù địa lý hay bão giông bất thường nên thường xuyên tổ chức tuần tra ngày đêm, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng chiến đấu, ngăn cản các hoạt động thăm dò của nước khác. Đặc biệt, các phân đội chiến đấu trên đảo đã đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Xây dựng nề nếp chính quy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Dù luôn cảnh giác, đối phó với các thế lực nhưng bộ đội đảo An Bang vẫn tăng gia sản xuất, trồng 5.755kg rau xanh, khai thác 1.728kg cá và 1.241kg thịt, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nước sinh hoạt cho chiến sĩ an tâm công tác. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được đó.

Đoàn công tác Sóc Trăng cũng có phần quà dành tặng cho đảo và ân cần hỏi thăm, động viên các chiến sĩ hải quân. Có lẽ điều gây ấn tượng với tôi nhất là các chiến sĩ quây quần bên Trưởng đoàn Phan Lệ Hồng, chị Nguyễn Thu Hương (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), Thúy Hằng (Tỉnh đoàn) trò chuyện, chụp ảnh chung làm kỷ niệm và xem các chị như người mẹ, người chị lâu ngày mới gặp. Thỉnh thoảng, tôi thấy các chị quay mặt đi hướng khác, giấu những giọt lệ rươm rướm trên khóe mắt.

Tôi và chị Lệ Hồng leo lên ngọn hải đăng, sờ vào “mắt biển” mà cảm thấy như nó chao đảo, nghiêng qua nghiêng lại. Định thần hồi lâu mới thấy yên tâm, có lẽ do cảm giác còn say sóng lúc nãy. Phóng tầm mắt ra biển cả, ôi biển xanh rì, từng cơn sóng bạc đầu nhấp nhô, mênh mông biết dường nào. Biển là vậy, bao la, vô tận; con người quá nhỏ nhoi nhưng lại luôn chinh phục biển cả, bắt biển phục vụ lại cho con người như chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 đã đề ra.

Sóng vẫn một ngày một lớn, cả đoàn lo lắng không biết ngày mai tàu có cặp được nhà giàn Quế Đường hay không? Hy vọng, ông trời không phụ lòng người!

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: