• Biển đảo quê hương

Nhà giàn DK1 - cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

16/11/2019 05:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 16/11/2019 | 05:59

STO - Nhà giàn DK1 được xem là cột mốc chủ quyền giữa biển khơi, là tầm nhìn chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nhà giàn DK1 tồn tại, hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử về ý chí kiên cường bám trụ, quyết tâm giữ biển và sự thầm lặng cống hiến, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân.

Sinh sống trên các nhà giàn là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2, Hải quân với chức năng, nhiệm vụ canh giữ vùng biển, vùng trời, làm tiêu, làm chỗ dựa cho ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thềm lục địa của Tổ quốc. Các nhà giàn được kết cấu bằng thép, có sức bền lâu dài và chịu được khắc nghiệt của thời tiết như gió to, bão lớn cấp 10 cấp 11. Nhà có chân cũng bằng thép cắm sâu xuống đáy san hô. Nhà chia thành nhiều tầng, nhiều khối để sinh hoạt, học tập với diện tích sử dụng hàng trăm m2/tầng. Mùa sóng bão nhà rung lắc nhưng không chao đảo và không dễ gì đổ được. Theo quy định khi có bão to, hiện tượng nhà rung lắc mạnh là cán bộ, chiến sĩ được lệnh chuyển xuống tàu an toàn.

Nhà giàn DK1 gồm có 15 nhà giàn ở các cụm: Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Cà Mau tạo thành một vành đai chiến hào đảo thép trên biển. Mỗi nhà như một “pháo đài thép” vững chắc. Chốt giữ trên đó là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2, Hải quân. Không chỉ gồng mình với điều kiện khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ sống trên nhà giàn còn phải chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng vì có khi do yêu cầu nhiệm vụ phải ở đến 10 - 12 tháng, thậm chí 27 tháng mới vào đất liền. Ngoài nhiệm vụ chắc tay súng để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sĩ còn chủ động xây dựng nhiều mô hình tăng gia sản xuất, các hình thức sinh hoạt phù hợp để thích nghi với cuộc sống giữa biển khơi.

Khu vực biển nhà giàn DK1 có nguồn hải sản phong phú, với trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loài thuộc dòng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đây cũng là khu vực có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên với trữ lượng lớn, Việt Nam đang khai thác phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với vị trí địa lý quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú nên vùng biển nơi đây có vai trò vô cùng quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và đối ngoại của nước ta.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: