• Biển đảo quê hương

Pháp lệnh BĐBP góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển

03/09/2018 13:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 03/09/2018 | 13:00

STO - Trong 20 năm qua, Pháp lệnh BĐBP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa và lồng ghép với các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch… lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng luôn quan tâm xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển.

Từ khi được thành lập đến nay, trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong mọi hoàn cảnh, BĐBP luôn khắc phục khó khăn, chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ biên giới quốc gia, làm nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở các vùng biên giới trên đất liền và biển, đảo. Trong quá trình chiến đấu, BĐBP tích cực xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đoàn kết đồng bào các dân tộc. Để đảm bảo văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của BĐBP, ngày 28-3-1997, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh BĐBP gồm 8 chương, 33 điều. Pháp lệnh được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng, là cơ sở nền tảng để BĐBP tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng phòng hộ. Ảnh: Song Lê

BĐBP do Bộ Quốc phòng lãnh đạo, quản lý và chỉ huy đã phát huy khả năng, trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh thực hiện chức năng làm nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP còn thực hiện 3 chức năng của quân đội nhân dân: chức năng chiến đấu, chức năng công tác và chức năng sản xuất. Theo thời gian, BĐBP ngày càng phát huy vai trò của mình trên nhiều mặt trận, nhất là vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.

Để khẳng định vị trí, vai trò của BĐBP Sóc Trăng theo tinh thần của Pháp lệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển. Đồng thời, đã tập trung chỉ đạo BĐBP Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương có liên quan xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng, cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP luôn nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, chịu đựng khó khăn, gian khổ, tận trung với Đảng, tận hiếu với nhân dân, vì bình yên tuyến biên giới biển.

Sau hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP, BĐBP Sóc Trăng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh BĐBP nói riêng và pháp luật nói chung đến nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn biên phòng và nhân dân các xã tiếp giáp với khu vực biên phòng bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Đã phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền như: 21.489 cuộc tập trung, 6.382 cuộc trên loa phát thanh và nhỏ lẻ đến 99.638 hộ gia đình, người có uy tín, chức sắc trong dân tộc, tôn giáo. Từ đó, đã nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân địa phương và các ngành, các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên phòng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” sát hợp với thực tế tình hình từng địa bàn và đạt hiệu quả cao. Hiện nay đã có 2.872 hộ gia đình, 6.457 cá nhân đăng ký tham gia; xây dựng 4 tổ tuần tra trên biển với 118 thành viên, 15 tổ tuyên truyền với 192 thành viên, 16 tổ tuần tra bảo vệ an ninh trật tự với 221 thành viên.

Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra ven biển. Ảnh: Văn Long

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo BĐBP tỉnh ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới, vùng biển. BĐBP tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Hải đoàn 18 Biên phòng, Cục Hải quan Cần Thơ, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Vùng 4 và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quản lý bảo vệ biên giới, vùng biển của tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật; tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên phòng.

BĐBP đã tham mưu cho địa phương củng cố 1.053 lượt tổ an ninh nhân dân; thay đổi 182 công an viên ở các ấp, 43 lượt xã đội phó, 23 bí thư chi đoàn, giới thiệu cho địa phương kết nạp 112 đảng viên. Đồng thời, xây dựng 145 tổ tự quản, tàu thuyền bến bãi an toàn, thành lập 22 tổ dân phòng; xây dựng 38 mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo với số tiền trên 5,4 tỉ đồng; tổ chức giảng dạy 42 lớp học tình thương, 51 lớp xóa mù chữ; nhận đỡ đầu 40 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Phối hợp với Sở Y tế thành lập 2 trạm quân dân y kết hợp, khám và chữa bệnh cho 92.321 lượt người; tham gia huấn luyện 1.000 lượt dân quân và dân quân tự vệ trên biển…

Theo đánh giá của đại tá Trịnh Kim Khâm - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, BĐBP Sóc Trăng, Pháp lệnh BĐBP ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng BĐBP chính quy, từng bước hiện đại nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Trên cơ sở nhiệm vụ được cụ thể hóa trong Pháp lệnh, BĐBP Sóc Trăng đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

BĐBP tặng học bổng cho học sinh nghèo tuyến biên giới biển. Ảnh: Song Lê

20 năm qua, quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh BĐBP cũng cho thấy một số hạn chế như: một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không còn phù hợp với thuật ngữ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; một số quy định về quyền hạn (thẩm quyền) của BĐBP quy định tại Pháp lệnh đã được bổ sung trong Luật An ninh quốc gia; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, thẩm quyền về điều tra hình sự chưa phù hợp với đặc thù công tác của BĐBP như quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ; thời hạn tạm giữ; một số tội danh liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, BĐBP lại không có quyền khởi tố như tội xâm phạm mốc giới, xâm hại công trình quan trọng về quốc phòng; chưa có nhà tạm giữ hành chính... Một số chế độ, chính sách còn bất cập, như chế độ, chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ BĐBP đến định cư ở các xã, thị trấn biên giới; trần quân hàm; chế độ phụ cấp đặc thù quân sự của một số đối tượng...

Để tiếp tục xây dựng lực lượng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần tập trung đầu tư xây dựng BĐBP thành Quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, để ban hành thay Pháp lệnh BĐBP cho phù hợp với vị trí, nhiệm vụ xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới của lực lượng BĐBP trong tình hình mới; quy định rõ chế độ, chính sách cho BĐBP, chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới; có chính sách đầu tư hiện đại trang bị kỹ thuật cho BĐBP, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Song Lê

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: