Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cho cán bộ đảng viên các cấp

20/11/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/11/2019 | 06:01

STO - Học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi của đảng viên. Đây cũng là khâu đầu tiên rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, là tiền đề bảo đảm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi trong các nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra.

Phải làm cho nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Nghị quyết của Đảng là những định hướng chính trị phát triển đất nước trong từng giai đoạn cách mạng, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, cấp ủy các cấp phải lãnh đạo tổ chức học tập, quán triệt trong nội bộ và tuyên truyền ra dân nhằm tạo sự nhất trí giữa nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý cần phải làm cho nghị quyết của Đảng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên (CBĐV) và nhân dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu sâu sắc, cặn kẽ những nội dung trong nghị quyết của Đảng.

Thời gian qua, việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả. Số lượng CBĐV dự học nghị quyết khá đầy đủ, nhất là gần đây, khi tỉnh áp dụng hình thức học trực tuyến được kết nối từ Trung ương (hoặc từ tỉnh) đến các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với đội ngũ báo cáo viên có nhiều kinh nghiệm, am hiểu lý luận và thực tiễn... Nhờ đó tỷ lệ đảng viên dự học đạt từ 95% - 98%. Thời gian triển khai học tập nghị quyết được rút ngắn và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường) hay hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình). Ảnh: TS

Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần có giải pháp khắc phục: Một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả học tập nghị quyết, nên có biểu hiện làm lướt, làm cho xong; công tác triển khai học tập nghị quyết thường mang tính khuôn mẫu, thiếu sáng tạo; cán bộ lãnh đạo (báo cáo viên) các cấp tiếp thu nghị quyết từ cấp trên và về phổ biến lại cho CBĐV cấp dưới theo đề cương có sẵn cho mọi đối tượng, nên thường nặng về độc thoại, thông tin một chiều, chưa gắn với thực tiễn của địa phương; việc học tập nghị quyết của Đảng chủ yếu mới dừng ở khâu báo cáo những nội dung của nghị quyết mà chưa dành thời gian để nghiên cứu, thảo luận nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy cũng như giải đáp những vấn đề bức xúc của CBĐV.

Mặt khác, gần đây, khi áp dụng học nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tuyến kết nối từ Trung ương (hoặc từ tỉnh) đến cấp xã cho tất cả đảng viên trong tỉnh, trong khi trình độ, khả năng tiếp thu của đảng viên không đồng nhất, nhất là CBĐV cấp cơ sở - nơi trực tiếp đưa nghị quyết vào cuộc sống, đã gây khó khăn cho báo cáo viên khi giới thiệu nghị quyết và ảnh hưởng đến kết quả học tập của lớp học. Công tác tổ chức quản lý các lớp học nghị quyết chưa chặt chẽ; tài liệu phục vụ học tập nghị quyết không có hoặc không đầy đủ. Thời gian học tập nghị quyết lại ít so với lượng kiến thức trong mỗi nghị quyết. Tinh thần, thái độ học tập của một bộ phận CBĐV, kể cả một số cán bộ chủ chốt chưa nghiêm túc nhưng phần lớn chưa được kiểm điểm, phê bình, xử lý. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết chưa chặt chẽ, hiệu quả không cao…

Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng phải giải quyết đồng bộ nhiều khâu. Theo đó, cấp ủy các cấp có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc các đợt học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cho CBĐV và tuyên truyền ra dân trong phạm vi mình phụ trách, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, các cấp ủy, trực tiếp là người đứng đầu chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức Đảng. Đây là việc làm bắt buộc của các cấp ủy đảng khi tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng. Dự thảo chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng phải được thảo luận ở các ngành, đơn vị có liên quan và tại hội nghị triển khai học tập, quán triệt nghị quyết; sau đó, cấp ủy thảo luận, tiếp thu, hoàn chỉnh và ban hành để triển khai thực hiện ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết cũng chính là thực hiện nghị quyết của Đảng, là đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Cơ quan tuyên giáo các cấp cùng với các cơ quan chức năng tham mưu để cấp ủy thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. 

Nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm học tập nghị quyết của CBĐV gắn với quản lý chặt chẽ các lớp học. Học nghị quyết của Đảng là nghĩa vụ và quyền lợi của CBĐV nhằm nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng. CBĐV mà lười học tập nghị quyết của Đảng cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vì không học hoặc học qua loa, đại khái thì có thể dẫn đến hiểu sai, làm trái với nghị quyết của Đảng, không đủ bản lĩnh phản bác những quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, ban tổ chức lớp học cùng với các cấp ủy có trách nhiệm quản lý học viên trên lớp theo sơ đồ được bố trí trong hội trường. Khi kết thúc đợt học tập nghị quyết của Đảng, các cấp ủy chỉ đạo các ban tham mưu giúp việc kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm. Qua đó, biểu dương kịp thời những tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tốt, phê bình, xử lý những tổ chức đảng và CBĐV chưa nghiêm túc khi học nghị quyết và thông báo cho cấp ủy cơ sở tình hình học tập của đảng viên thuộc quyền quản lý, lấy kết quả học tập để đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm.

... Nội dung và hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng phải phù hợp với đối tượng dự học

 

Về nội dung học tập: đối với cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương, báo cáo viên cần đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm trong nghị quyết; giải pháp thực hiện; liên hệ thực tiễn và định hướng vận dụng những nội dung của nghị quyết vào lĩnh vực công tác; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, báo cáo viên giới thiệu những nội dung “cốt lõi”, ngắn ngọn, dễ hiểu, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, của ngành, nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng và vận dụng vào thực tế công tác.

Về hình thức tổ chức học tập nghị quyết: tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà sử dụng linh hoạt hình thức truyền thống (tổ chức tại hội trường) hay hình thức trực tuyến (thông qua cầu truyền hình). Song, dù áp dụng hình thức nào thì cũng phải đảm bảo sự tương đồng về đối tượng dự học, trong đó: lớp do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức dành cho đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; còn CBĐV còn lại do các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức (hoặc do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết nối từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn). Riêng CBĐV khối Quân sự, Công an, Biên phòng, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong tỉnh, tùy tình hình cụ thể và số lượng đoàn viên, hội viên, ban thường vụ các đoàn thể phối hợp với ban tuyên giáo cấp ủy cùng cấp tổ chức các lớp học theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, đảm bảo chất lượng và thời gian theo quy định.

Tùy tính chất và tầm quan trọng nghị quyết của Đảng, trước khi kết thúc đợt học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, cấp ủy áp dụng hình thức viết bài thu hoạch dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, các ngành (không cần áp dụng với tất cả đảng viên) về kết quả nhận thức của bản thân đối với những nội dung cơ bản của nghị quyết và trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp trên tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Các ban tham mưu, giúp việc cấp ủy tổ chức nhận xét, đánh giá kết quả bài thu hoạch. Kết quả nhận xét, đánh giá các bài thu hoạch được gửi về ban thường vụ cấp ủy cấp dưới trực tiếp biết và xem đây là một cơ sở để nhận xét, đánh giá CBĐV cuối năm.

Thiết nghĩ, đây vừa là một trong những biện pháp đánh giá chất lượng học tập nghị quyết, vừa thể hiện tính ràng buộc trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đối với nghĩa vụ học tập nghị quyết, thể hiện tính gương mẫu trước CBĐV trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp trên tại địa phương, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

Kiên Trung

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: