• Công nghiệp

Chắp thêm đôi cánh cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh

15/09/2017 09:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 15/09/2017 | 09:51

Thời gian qua, nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh pía, lạp xưởng trên địa bàn huyện Châu Thành. Đối với những cơ sở gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh thì việc hỗ trợ kinh phí lại càng có ý nghĩa, vì đây là nền tảng để các cơ sở mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất với quy mô lớn hơn.

Xác định công tác khuyến công có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định và bền vững, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị vào các khâu sản xuất cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở các địa phương. Đặc biệt, việc hỗ trợ kinh phí cho nhiều cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng trên địa bàn huyện Châu Thành vừa qua đã giúp cho các cơ sở, doanh nghiệp vừa nâng cao năng suất vừa góp phần giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Là một trong những cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống như bánh pía và lạp xưởng lâu đời ở Sóc Trăng, cơ sở Lương Trân ở xã An Hiệp rất cần đầu tư một số máy móc, thiết bị mới để hoàn thiện dây chuyền sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, với tình hình chung, cơ sở Lương Trân không tránh khỏi tình trạng khó khăn về tài chính. Trong năm 2016, khi được hỗ trợ 160 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương để đầu tư một số máy móc, thiết bị, như máy trộn, lò nướng, dây chuyền bao nhân tự động… đã kịp thời giúp cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm.

Theo chủ cơ sở Lương Trân, việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã góp phần giúp cơ sở tăng năng suất so với thời điểm trước khi máy móc chưa hoàn thiện lên đến 15%; ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho 25 đến 50 lao động của địa phương với thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/người/tháng; đồng thời góp phần giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.

Cũng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, trong năm 2016, doanh nghiệp tư nhân sản xuất bánh pía - lạp xưởng Hải Sơn, ở xã Hồ Đắc Kiện đã được nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 170 triệu đồng trong tổng kinh phí hơn 596 triệu đồng để đầu tư máy cán bột dạng nằm, lò nướng bánh, lò hấp đậu… Ông Trương Hải Hấu - chủ doanh nghiệp cho biết: “Các máy móc được đầu tư mới đã góp phần tăng năng suất so với hiện trạng trước đây lên 30%. Song song đó, còn góp phần tăng chất lượng, doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp; đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động của địa phương, với mức thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/người/tháng và giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2016, vào những tháng đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp bánh pía - lạp xưởng về máy móc, thiết bị. Theo đó, cơ sở sản xuất bánh pía, bánh in, bánh trung thu và các loại bánh làm từ bột, kẹo, mứt… Tân Lộc Phát ở xã An Hiệp cũng được nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ với số tiền 140 triệu đồng trong tổng kinh phí 753,5 triệu đồng để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, như: lò nướng bánh pía, máy bao nhân tự động, chảo xào nhân tự động. Với việc đầu tư mới các máy móc này đã góp phần tăng năng suất của cơ sở lên 2,5 tấn/ngày (tăng 25% so với trước); đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động của địa phương (tăng 10 lao động so trước đây), thu nhập bình quân 3.500.000 đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện thường gặp khó khăn về vốn để đầu tư vào sản xuất và thay đổi thiết bị máy móc cũ kỹ. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở rất cần được đầu tư để phát triển sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Sau khi được hỗ trợ trang thiết bị máy móc, các cơ sở đã tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công được xem là “cú hích” để các doanh nghiệp, cơ sở phát triển, khuyến khích các cơ sở mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước nâng cao năng lực sản xuất và khẳng định được vị thế của mình trên thị trường có sức cạnh tranh cao như hiện nay.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: