• Công nghiệp

Nâng cao năng lực liên kết vùng của doanh nghiệp từ tỉnh nông nghiệp

12/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 12/11/2017 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có tiềm năng và thời cơ phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp. Thời gian qua, trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, Sóc Trăng đã bước đầu tận dụng được các lợi thế và tiềm năng vùng ven biển để phát triển, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến thủy, hải sản và hạng mục công trình dịch vụ, dân sinh quan trọng.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị “Kết nối giao thương Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - Sóc Trăng 2017”, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: “Với vai trò ngày càng tăng lên của biển, đảo và Sóc Trăng là tỉnh có biển đầy tiềm năng, lợi thế nên việc phát triển các doanh nghiệp công nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản có thể xem là bước đột phá để đưa Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững. Trong điều kiện mới, các doanh nghiệp của tỉnh Sóc Trăng có thể đổi mới để làm tăng thêm phần giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Vì vậy, địa phương cần phải tăng cường các khâu sản xuất và kinh doanh liên hoàn trong liên kết, kể cả quá trình từ nghiên cứu, triển khai… cho đến sản xuất và kinh doanh”.

Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến thủy, hải sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Ảnh: Quang Bình

Cũng theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, trong những năm qua, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến thủy, hải sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của địa phương và cả phát triển các ngành dịch vụ, cung ứng vật tư, thức ăn, chữa bệnh... cần hình thành các cảng chuyên dụng, nhà máy chế biến, xưởng pha chế, kho, phương tiện vận chuyển và cả hệ thống cửa hàng bán lẻ. Đó là các khâu liên hoàn của các loại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn kết với các ngành kinh tế trong nước và quốc tế trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế. Nếu nói rộng ra, toàn bộ các ngành kinh tế của tỉnh, dựa trên các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản, có thể hướng ra biển và liên kết với đất liền, nối thông khu vực Nam Sông Hậu và các liên kết kinh tế khu vực, sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế mạnh mẽ. Hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển sẽ liên kết sản xuất với các nhà cung cấp khắp toàn cầu, dịch vụ nghề cá sẽ liên kết từ nghiên cứu, nuôi trồng, khai thác, chế biến và phân phối tiêu thụ trên phạm vi thế giới. Một vấn đề quan trọng là cần “chớp thời cơ” đang mở ra, cần chọn điểm đột phá để phát triển. Nếu lựa chọn không chuẩn xác, đâu cũng “đột phá” thì hiệu quả sẽ kém, tỉnh sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển dài hạn.

Những vuông tôm bạc ngàn trải dọc theo bờ biển tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Trường

Hiện nay, việc quy hoạch các khu kinh tế là không khả thi và dù có một số yếu tố hợp lý trong khai thác các tiềm năng địa phương, nhưng nếu đồng loạt triển khai sẽ làm cho kinh tế phát triển không hiệu quả. Vì thế để phát huy tính hiệu quả thì nên có lộ trình, với trọng tâm là lựa chọn phát triển sớm hơn 2 - 3 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến kinh tế biển và vùng ven, khác với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2015… 

Nguyên nhân chủ quan đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển và phân công theo chiều dọc của các vùng kinh tế, đó là định hướng phát triển không gian vùng thay đổi liên tục nên các quy hoạch phát triển các ngành sản xuất cũng thay đổi theo, không đáp ứng kịp với thay đổi của tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất luôn là điểm nghẽn gây kìm hãm đà phát triển của các ngành khác. Việc xác định ngành động lực của tỉnh gắn với phát triển khu công nghiệp và bảo vệ môi trường chưa rõ, nhất là những ngành mũi nhọn. Việc quy hoạch mới chú trọng đến sản xuất mà chưa chú ý đến quy hoạch quỹ đất, nguồn vốn và cơ chế, chính sách cho đất ở, nhà ở của người lao động nông nghiệp chuyển dịch ra thành phố tham gia sản xuất công nghiệp. Đây là nguyên nhân chính làm các vấn đề xã hội ngày càng trầm trọng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Cửa biển Trần đề. Ảnh: XT

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, giải pháp cơ bản là cố gắng tạo ra 5 môi trường, gồm: môi trường thực hiện công việc theo pháp luật; môi trường có người làm việc thật thà, vui tính; môi trường phục vụ văn minh; môi trường vệ sinh sạch sẽ và môi trường an ninh, an toàn và có trật tự. Và 6 trọng điểm, gồm: trọng điểm kinh tế dân doanh, có giá trị lớn trong công nghiệp của thành phố, trên 80%; trọng điểm kinh tế cởi mở, trình độ hướng ngoại cao vì là khu kinh tế và thực hiện chính sách mở cửa; trọng điểm khu kinh tế hỗn hợp là các khu phát triển kinh tế, vừa là khu khoa học - công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp (thực ra trước đây những doanh nghiệp, những xí nghiệp cơ sở sản xuất của Sóc Trăng đều phân tán rải rác, còn bây giờ tập trung lại vào khu công nghiệp, những cơ sở sản xuất); trọng điểm kinh tế cảng (đây là một lợi thế của tỉnh); trọng điểm thương mại và du lịch và trọng điểm nông nghiệp, tạo lập các doanh nghiệp khá giỏi trồng trọt, chăn nuôi.

Đồng chí Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp lần thứ 2 năm 2017. Ảnh: Quang Bình

Đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch tổng thể kinh tế trọng điểm theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng dựa vào tăng giá trị gia tăng, sản phẩm của vùng kinh tế là một bộ phận cấu thành của sản phẩm mang thương hiệu quốc tế. Việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng không phụ thuộc vào địa giới hành chính và giao cho địa phương thực hiện. Việc bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển chuyển sang đầu tư theo dự án, công trình trọng điểm. Hạn chế tối đa dòng giao thông quá cảnh cắt qua thành phố. Phát triển khu cảng phục vụ thi công Trung tâm Nhiệt điện Long Phú hiện nay thành trung tâm hỗ trợ du lịch và thương mại, dành quỹ đất phù hợp để hình thành khu vực logictic ở các cửa ngõ tỉnh gắn với cảng biển. Hình thành cụm công nghiệp Điện lực tại Long Phú và trung tâm logictic container phía Nam Sông Hậu ở đây phục vụ phát triển kinh tế vùng trọng điểm, tận dụng lợi thế vận tải đường thủy đến các tỉnh trong vùng, giảm áp lực với hệ thống đường bộ. Các sản phẩm phải gắn kết được với các thương hiệu toàn cầu để vừa có thị trường đầu ra ổn định vừa tiếp thu được công nghệ cao thân thiện môi trường.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, địa phương cần quy hoạch vành đai thực phẩm quanh vùng và trong vùng để đưa phương thức sản xuất công nghiệp vào trong nông nghiệp tạo điều kiện cho con em nông dân “ly nông bất ly hương”, không tạo làn sóng di cư ồ ạt ra thành phố. Đồng thời, huy động nguồn lực trong dân với cơ chế chính sách phù hợp để áp dụng xã hội hóa những việc mà người dân có thể làm như dịch vụ y tế ở mức cao, dịch vụ giáo dục theo chuẩn của các nước tiên tiến, các dự án có thể áp dụng phương thức công tư hợp tác.

Q. Bình

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: