• Đoàn thể

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-2019)

Liên đoàn Lao động tỉnh - Khẳng định vai trò, vị trí trong hệ thống chính trị và đời sống CNVCLĐ

28/07/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 28/07/2019 | 06:00

STO - Trải qua chặng đường 90 năm hình thành và phát triển, được Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và là trung tâm vận động, tập hợp giai cấp công nhân vùng lên đấu tranh, đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam; đồng thời đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ I (1897 - 1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1918 - 1930). Tuy ra đời muộn hơn giai cấp công nhân các nước công nghiệp phát triển, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, sớm giác ngộ cách mạng nên đã thể hiện được bản lĩnh và từng bước phát triển. Năm 1920, Công hội Ba Son được thành lập do đồng chí Tôn Đức Thắng - người công nhân ưu tú của nhà máy đóng tàu Ba Son sáng lập và lãnh đạo. Từ đó, Công hội đã trở thành linh hồn của phong trào đấu tranh, bãi công của công nhân Ba Son chống đế quốc tư bản. Tiếp đến là sự ra đời của các tổ chức công hội ở các địa phương, ngành, nghề trên phạm vi rộng lớn hơn…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu tặng quà cho công nhân, lao động dịp “Tết Sum vầy” 2019. Ảnh: Q.K

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội Đỏ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28-7-1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón - Hà Nội. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ và bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ; đồng thời, ra tạp chí Công hội và tiếp theo là Báo Lao động, cơ quan ngôn luận đầu tiên của Công đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, Công hội Đỏ đã tập hợp công nhân, lao động tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dù trải qua nhiều tên gọi khác nhau nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành; thực sự là trung tâm đoàn kết của công nhân lao động Việt Nam.

Tại Sóc Trăng, các tổ chức công khai như: Hội Ái hữu thợ may, nghiệp đoàn Kim hoàn… thu hút sự tham gia đông đảo của người lao động, trong đó có đồng bào dân tộc, tổ chức đấu tranh đòi bãi bỏ thuế thân, giải quyết việc làm và cứu đói cho dân… Các cuộc đấu tranh đó buộc giới chủ và thực dân Pháp phải chấp nhận. Sau khi nước nhà được thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, hơn 2.000 công nhân lao động tỉnh nhà lại hăng hái tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bắt tay vào lao động, sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực tham gia cải tạo, xây dựng xã hội mới. Đến hôm nay, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh đã có trên 57.500 đoàn viên CNVCLĐ, với 1.209 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

Trong những năm qua, hoạt động công đoàn trong tỉnh ngày càng đáp ứng yêu cầu của đoàn viên, CNVCLĐ. Các phong trào thi đua yêu nước: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng. Bình quân hàng năm có trên 10.000 đề tài, sáng kiến được công nhận, hàng trăm công trình, sản phẩm hoàn thành, góp phần làm lợi cho Nhà nước và cơ quan, đơn vị nhiều tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, như tổ chức: “Tháng công nhân”, “Ngày hội Công nhân lao động”, “Tết Sum vầy”... Đặc biệt, duy trì và phát triển quỹ “Mái ấm công đoàn” để hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ xây mới, sửa chữa trên 500 căn nhà; mô hình “Lễ cưới tập thể”, mang lại hạnh phúc cho 63 cặp đôi là đoàn viên, CNVCLĐ nghèo; ký kết chương trình “Phúc lợi đoàn viên công đoàn”, qua đó hàng chục ngàn đoàn viên được hưởng lợi. Từ đó, CNVCLĐ ngày càng vững tin vào tổ chức công đoàn.

Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những thành tích đó đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Đồng chí Ngô Thái Chân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định, có được kết quả đó là nhờ sự kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, của các cán bộ công đoàn nhiều thế hệ đi trước và chắc chắn truyền thống ấy sẽ tiếp tục được đội ngũ cán bộ hôm nay vun đắp và phát huy hơn nữa, nhằm khẳng định vai trò, vị trí tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị và đời sống tinh thần của CNVCLĐ tỉnh nhà.

Mỹ Linh

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: