• Đời sống xã hội

“Ăn ong” bên rạch An Nô - Kỳ 1

10/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 10/10/2017 | 06:00

STO - An Nô là con rạch lớn ở xã Thạnh Thới An (Trần Đề). Là con rạch chảy qua vùng đất có tên xưa là Bâng Ân S’nô – có nghĩa “Bưng cây điên điển”. Vì là “bâng – bưng”... nên nền đất trũng, xưa cỏ dại, cây hoang mọc ken dày, là nơi trú ngụ lý tưởng của những bầy ong mật. Ông Lâm Văn Tiến (Sáu Tiến - 66 tuổi) ở ấp Thanh Nhàn kể rằng, vùng đất An Nô trước năm 1975 và một đỗi sau này lúa chỉ làm được 1 vụ nhờ nước trời. Vườn tược rậm rạp như rừng. Ong mật thì đóng tùm lum. Mà thời đó thì cũng chưa có “thợ ăn ong” nhiều như bây giờ.

Ba người “bạn ăn ong”

Rạch An Nô bây giờ “thẳng băng” vì là con rạch chính để tiêu thoát nước cho những cánh đồng ngút mắt. Cặp hai bên bờ rạch là những vườn dừa, rồi bần, vườn cây tạp rậm rạp... tới mùa ong về lấy mật tuy không nhiều như xưa nhưng vẫn còn khá. Có lẽ "vì duyên” nên chúng tôi đã tình cờ làm quen và được theo chân ba người “bạn ăn ong” ở xứ này đi lấy mật.

Những người bạn ở rạch An Nô

Đầu tiên là Vương Nhất Toàn – thủ lĩnh của nhóm. Anh có nhiều kinh nghiệm trong việc sửa ổ, giữ bầy. Kế đến là Lâm Văn Kính – một “cao thủ leo trèo” thường được chỉ định để xử lý những ổ ong đóng trên những cây cao, đòi hỏi “kỹ năng lên cây cũng như sức khỏe” mới có thể lấy mật và sửa ổ một cách an toàn. Nhân vật cuối cùng là Hồ Nguyễn Chinh Chiến – một người ham vui và cũng mê “chuyện ăn ong”. Tới mùa lấy mật, hễ được hú hí thì sẵn sàng tham gia để đùa vui với lũ ong rừng. 

Cắt bỏ một phần tàn ong non - sửa ổ, giữ bầy cho đợt lấy mật kế tiếp.

Chuyện hình thế của những kèo ong, tập tính của ong rừng đóng tập trung và đặc thù mật ong ở An Nô, Nhất Toàn rành rẽ bởi sau những ngày rảnh rang việc đồng ruộng, chăm lo cho mấy con bò sữa là anh và nhóm bạn thường xuyên rảo theo những bờ vườn rậm rạp hoặc ven rạch, ven sông... tới mùa thì xuống luôn cả những dải rừng bần ven sông Hậu, Cổ Cò để tìm mật.

Ong mật (ong rừng) thường đóng trên những cành cây lớn vươn dài ra ngoài thân, “cong cong như nửa cánh cung” và thường hướng về phía mặt trời mọc. Nhưng còn tùy thuộc vào mùa gió vì ổ ong phải “nằm ở thế chẻ gió chớ hổng hứng bản về hướng gió”. Có những ổ đóng tuốt trên cành bần cao gần 20m, nhưng cũng có những ổ đóng dưới tàn cây bình bát thấp tầm từ 1 đến 2 mét, thợ ăn ong khỏi cần tốn sức leo trèo cũng lấy được mật. Có những ổ ong đóng đã lâu, “tàn ong” (tên gọi chung cho ổ ong rừng) lớn chẳng thua gì “cái mặt bàn ăn cơm”, nhưng cũng có khi mới đóng lớn chưa bằng cái rổ thì đã bị “dân ăn tạp” phá ổ lấy mật!?

Theo chân thợ ăn ong “học lóm”!

Chuyến “học lóm nghề” đầu tiên của tôi và người bạn Lâm Huy là theo Nhất Toàn lấy mật ở ổ ong đóng trên cây mù u trong vườn của chú Sáu Tiến. Ổ này đóng trên kèo cao tầm 6 thước. Thợ ăn ong đi từ nhà chỉ mang theo một thùng nhựa đeo bên mình để đựng bầu mật, tàn ong non khi “lên kèo”. Hầu như loài ong nào cũng sợ khói, đặc biệt là những loài ong cho mật như ong rừng, ong ruồi hay ong dú. Vậy nên công việc đầu tiên của thợ ăn ong là chuẩn bị một “cây cúi” sao cho khi đốt lên phải cho ra thật nhiều khói. Nguyên liệu thật đơn giản vì chỉ cần gom quanh vườn là đã có một cây cúi vừa ý. Một mớ lá dừa khô, thêm mớ cành lá tươi, chủ yếu để tạo nhiều khói xua bầy ong, cắt bầu mật, sửa ổ. Ổ ong này thuộc dạng “kèo đẹp” vì không cao quá, thợ ăn ong dễ lên. 

Một bầu mật ong bông dừa.

Nổi lửa cây cúi, Nhất Toàn lên kèo lấy mật. Chỉ chưa tới 3 phút, Toàn đã lấy xong bầu mật bỏ vào thùng và đậy nắp. Sau đó là cắt sửa tàn ong con sao cho bầy ong vẫn đóng lại trên kèo và xây lại ổ. Tùy theo mùa hoa mà có thể chỉ sau 2 tuần, thợ ăn ong đến thăm và tiếp tục lấy mật. Với thợ ăn ong, để giữ được những điểm có bầy ong làm tổ, những nhóm thợ thường có hai cách để giữ ổ cho mình. Một là dặn chủ nhà giữ ổ để chia mật theo phương thức 5/5. Hai là giữ ổ đến khi thợ ăn ong đến lấy thì tùy theo số mật ít hay nhiều mà thợ ăn ong sẽ gửi lại cho chủ nhà một số tiền tương ứng cũng theo dạng 5/5.

Ấn tượng nhất trong những lần “đu theo” nhóm của Nhất Toàn ăn ong là chuyến đi lấy mật ở khu vườn của chùa Luông Bassas và dọc theo kênh Tiếp Nhựt. Chuyến này thì “cao thủ" Văn Kính lên kèo vì ổ ong đóng trên một nhánh sao lớn cao hơn 20m và “de ra mé ngoài” chừng 5m. Gốc sao lớn một người ôm không giáp, thẳng băng mà Kính một bên đeo thùng, miệng cắn cây cúi leo lên tới chảng ba chưa đầy 2 phút. Thổi lửa, khói lên đủ là Kính ra kèo ong làm việc. Vì trống trải nên Kính phải “xông khói kỹ” cả hai bên. Bầy ong túa ra bay tán loạn quanh ổ nhưng vẫn còn không ít con ham mật vẫn đeo dính bầu mật và tàn ong non. Tay không vậy mà Kính thoải mái phủi bầy ong rớt lả tả ra khỏi bầu mật. Dao thứ nhất rọc tách bầu mật với tàn ong non. Dao thứ hai tách rời “miếng mứt” này ra khỏi ổ bỏ vào thùng. Dao thứ 3 tách xong bầu mật. Dao thứ năm, thứ sáu cắt tàn, sửa ổ. Xong việc. Xuống thôi. Sạch...

Đàn ong bắt đầu bu đen tổ. Từ lúc bó cúi, lên kèo, lấy mật rồi sửa ổ chưa tới 15 phút. Cả nhóm rút nhanh vì đây là một ổ ong trên cao, khói mau tan nên “bọn ong mau tỉnh”!

Tôi đã quá chủ quan khi nghĩ “bầy ong này hiền” khi chỉ đứng ngay dưới gốc cây để bấm máy nhưng bọn ong chỉ bay vo ve vòng quanh chứ không đánh. Nào biết rằng... chẳng qua vì lúc ấy bọn ong đang say khói. Thật may mắn khi đã được những người bạn ăn ong “giải cứu”. Sau khi “tặng cho người viết” ký sự này 5 mũi vào đầu và mặt khi “cố ở lỳ dưới gốc cây trong cự ly gần” để ghi hình bầy ong đang sửa ổ.

Ở kỳ 2, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn chi tiết hơn về những đặc trưng của mật ong, về những loài ong mật hiện có trong tự nhiên ở Sóc Trăng, cùng 2 kỷ niệm vui của chúng tôi trong chuyến “học nghề lóm” thú vị này.

C.T.L

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: