• Đời sống xã hội

Chú trọng cải thiện chỉ số đào tạo lao động

20/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 20/08/2019 | 06:00

STO - Xác định được tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thời gian qua, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, từng bước cải thiện các chỉ số thành phần đạt thấp.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI tỉnh Sóc Trăng đạt 61,82 điểm (giảm 1 bậc so với năm 2017), xếp thứ 45/63 tỉnh, thành cả nước và thuộc nhóm “trung bình”.

Trong tổng số 10 chỉ số thành phần PCI, Sóc Trăng có 3 chỉ số giảm điểm và tụt hạng so với năm 2017, đó là chỉ số: Gia nhập thị trường; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động là một trong những chỉ số có trọng số lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương, giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2018 của VCCI cho thấy, chỉ số này đạt 5,06 điểm, giảm 0,24 điểm và giảm 3 bậc so với năm 2017.

Sóc Trăng là tỉnh có nguồn lao động dồi dào. Ảnh: Hải Hà

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số đào tạo lao động giảm là do hoạt động liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu, mới chỉ đáp ứng nhu cầu về kiến tập, thực tập của học sinh, sinh viên, người học nghề. Mặt khác, doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa chú trọng vào sản phẩm đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp chưa chủ động trong phối hợp đào tạo lao động; năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng cả về quy mô và chất lượng đào tạo; nhận thức của một bộ phận người lao động về lợi ích của học nghề, tạo việc làm chưa cao, nhất là lao động phổ thông trong lĩnh vực chế biến nên chưa thu hút người lao động tham gia học nghề.

Hiện nay, tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác với doanh nghiệp; 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bộ phận, tổ chức làm đầu mối gắn kết với doanh nghiệp, gồm: Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trường Cao đẳng Nghề. Các ngành, nghề, mô hình gắn kết đào tạo được đánh giá có hiệu quả như: Công nghệ ôtô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; may công nghiệp, may bao tay... Đây là một số ngành, nghề đào tạo mang tính bền vững, giúp người lao động chuyển đổi ngành, nghề, tạo việc làm, cung cấp một phần lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho doanh nghiệp.

Mặc dù thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo (trọng tâm là đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp) được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhưng công tác này vẫn còn một số hạn chế. Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu ngành, nghề, quy mô đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay và trong thời gian tới. Sự phát triển nhanh và ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc tiên tiến của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Một số ngành, nghề thuộc các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư như: năng lượng, năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, thương mại, dịch vụ, du lịch, đào tạo nhân lực có tay nghề cao... thì các trường trung cấp, cao đẳng của tỉnh chưa đủ năng lực đào tạo (trừ 5 nghề được đầu tư ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực ASEAN, phục vụ chiến lược Biển của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đang triển khai thực hiện). Mặt khác, công tác liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đào tạo, cung ứng, tuyển dụng lao động qua đào tạo chưa được thực hiện tốt.

Để chỉ số đào tạo lao động được cải thiện hơn nữa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch về đào tạo nghề hàng năm. Thường xuyên thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động của các doanh nghiệp để định hướng đào tạo nghề và cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, đặc biệt thông qua hoạt động sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch việc làm lưu động để kết nối cung - cầu lao động cho các doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm tại tỉnh. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường trung cấp, cao đẳng, cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức đào tạo đa dạng; đẩy mạnh phối hợp, hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo theo nhu cầu.

Hải Hà

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: