• Đời sống xã hội

Cuộc sống mới của đồng bào Khmer

16/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 16/08/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cùng với việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con Khmer trong các dịp lễ, tết truyền thống thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo chăm lo đến đời sống vật chất, hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo bền vững bằng các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, giúp bà con có đời sống ấm no, sung túc.

Kỳ 1: Bộc bạch của hộ dân sau thoát nghèo

* Niềm vui ... khi đã thoát nghèo

Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng chị Trương Thị Thu Thảo - Bí thư Chi bộ ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) cũng dành thời gian để đưa chúng tôi đi vòng quanh ấp để tận mắt nhìn thấy sự đổi thay của ấp. Phú Tức ngày nào còn hết sức khó khăn, giờ đã phát triển sung túc, với các tuyến đường bêtông liên ấp, nối liền xã và những ngôi nhà tường khang trang, sạch đẹp, cùng với đó là những cánh đồng lúa tươi tốt nằm cạnh các dòng kênh lớn. Đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh bà con tất bật với công việc thường nhật, như: chăm sóc ruộng, cắt cỏ cho bò… ai cũng hăng say lao động. Cũng chính nhờ sự cần cù lao động mà hộ dân ở đây đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Cô Lê Kim Phượng, ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) khoe thành phẩm là những bông lúa làm bằng đất sét y như thật, đây là một trong những mô hình góp phần ổn định đời sống tại hộ. Ảnh: THÚY LIỄU

Đến thăm gia đình cô Lê Kim Phượng, ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) - tấm gương chí thú làm ăn thoát nghèo của địa phương - chúng tôi được cô Phượng nhiệt tình mời vào nhà. Cô Phượng đem ra nhiều loại hoa khác nhau được cắm trong những chiếc bình rất đẹp làm chúng tôi khá ngạc nhiên bởi dù là hoa giả nhưng y như thật. Nở nụ cười tươi khi thấy khách cứ trầm trồ khen hoa đẹp, cô Phượng bộc bạch: “Tôi tạo ra những bông hoa này bằng đất sét và đây là một trong những mô hình sinh kế giúp tôi có thêm thu nhập hàng ngày. Còn số tiền tích cóp từ làm ruộng, làm rẫy, tôi để dành tích lũy dần…”. Thấy khách ngạc nhiên khi nhìn các sản phẩm nào là trái cây, hoa, lá, cành… y như thật được làm ra từ đất sét, cô Phượng nhanh tay lấy ngay miếng đất nhỏ nặn thử cho chúng tôi xem trái dâu tây, sản phẩm làm xong trong nháy mắt. “Ngày trước, gia đình tôi không có đất sản xuất nên quanh năm đi làm thuê, làm mướn. Đến năm 1997 được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi số tiền 1 triệu đồng, tôi mua ngay 2 con heo nái nuôi sinh sản và gom góp tiền lời từ nuôi heo, tôi mua bò cái sinh sản về nuôi, rồi mua 5 công đất để canh tác lúa. Đến nay, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi bò, làm lúa 2 vụ/năm kèm 1 vụ màu. Riêng với mô hình làm hoa từ đất sét, tôi cũng học làm hơn chục năm nay, mỗi tháng cho thu nhập 4 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Thật sự mà nói, nếu như ban đầu không có số tiền được Nhà nước hỗ trợ cho vay chăn nuôi heo, chắc đời sống còn nhiều vất vả bởi không định hướng được cách làm ăn hợp lý. Giờ đây, gia đình tôi đã có thu nhập gần 200.000 đồng/ngày nhờ bán tạp hóa và làm hoa đất sét, còn tiền trồng màu và lúa cho lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/vụ/năm” - cô Phượng tiếp lời.

Bà Mai Thị Sóc Kha, ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) bên đàn bò giúp bà thoát nghèo bền vững. Ảnh: THÚY LIỄU

Rời nhà cô Phượng không xa, chúng tôi đến thăm gia đình bà Mai Thị Sóc Kha, cũng cùng ấp Phú Tức. Đây cũng từng là hộ nghèo, giờ vươn lên khá giàu. Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Kha tâm tình: “Hồi trước, tôi không có ruộng đất sản xuất, mảnh đất nhỏ được gia đình cho, tôi làm tạm căn chòi để ở, hàng ngày đi làm thuê quanh xóm, ai thuê gì làm nấy miễn là công việc chân chính kiếm tiền nuôi các con. Năm 2004 được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội số tiền 10 triệu đồng, tôi mua ngay 1 con bò cái sinh sản. Hàng ngày tranh thủ thời gian đi làm thuê, tôi cắt cỏ cho bò ăn, từ 1 con bò cái, tôi tăng đàn bò cái lên 3 con. Tính đến nay, số bò bán ra hàng chục con, nhờ tiền bán bò, tôi xây dựng ngôi nhà khang trang, mua đầy đủ các tiện nghi trong nhà và cũng từ con bò ban đầu mà giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo. Qua đây, tôi cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ gia đình tôi có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay và mong chính quyền tiếp tục triển khai các mô hình giảm nghèo giúp bà con có hướng đi đúng trong lựa chọn mô hình thoát nghèo bền vững…”.

* Đổi mới nơi xóm, ấp

Ông Kim Sa Huil, ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành) (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên HTX Nông nghiệp Phước An đi thăm cánh đồng lúa của HTX. Ảnh: THÚY LIỄU

Là người “đầu tàu” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phước An, ông Kim Sa Huil, ấp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành) cho biết, ông sống ở tại địa phương đã mấy mươi năm nay, qua đó biết rõ sự đổi mới từng ngày của làng quê nơi ông đang sống. Đời sống bà con ngày một đi lên bởi được sự chăm lo của các cấp, các ban ngành, đoàn thể dành cho đồng bào Khmer, trẻ em đến trường được hỗ trợ, người nghèo được cấp thẻ y tế khám chữa bệnh, từng con đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại hai mùa mưa nắng, kèm theo đó giúp việc vận chuyển lưu thông hàng hóa của người dân dễ dàng hơn, đặc biệt là các công trình thủy lợi được đầu tư rộng khắp, tạo điều kiện cho người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

“Tôi tâm đắc nhất là việc tham gia vào HTX, bà con nông dân liên kết sản xuất tạo ra hạt lúa cùng giống, cùng chất lượng được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân. Thêm vào đó HTX được các ngành hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng hỗ trợ nhà kho, đường dẫn, cầu giao thông vào cánh đồng HTX nên thành viên an tâm sản xuất vì có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất lúa…” - ông Kim Sa Huil cho biết thêm.

Nói về sự đổi thay của làng quê mình đang sống, ông Danh Khol, ấp Xóm Tro 1, thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con nông dân xóm tôi rất sung túc. Trước đây, xóm có nhiều nhà tranh vách lá, khi đi chợ phải đi bộ vài km, người nào có điều kiện mới có xuồng ghe đi. Thương nhất là mấy đứa con nít đi học vất vả lội sình bùn những tháng mùa mưa và việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn vì thường vào tháng mùa khô nước mặn xâm nhập nên việc trồng màu hay làm lúa không được. Đời sống bà con khởi sắc kể từ năm 2006 cho đến nay, vì Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông, đào kênh thủy lợi rộng khắp, có cả trạm bơm điện và đặc biệt là việc quy hoạch làm mô hình cánh đồng mẫu tập trung, người dân được hưởng các chính sách ưu đãi cùng việc hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn trước. Từ đó, thu nhập của nông dân tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước…”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: