• Đời sống xã hội

Cuộc sống mới của đồng bào Khmer - Kỳ 2

19/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/08/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Cùng với việc chăm lo đời sống tinh thần cho bà con Khmer trong các dịp lễ, tết truyền thống thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo chăm lo đến đời sống vật chất, hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo bền vững bằng các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương, giúp bà con có đời sống ấm no, sung túc.

Kỳ 2: Chính sách hỗ trợ vực dậy kinh tế

Hiệu quả thiết thực từ chương trình giảm nghèo

Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh thì một trong những giải pháp “hữu hiệu” nhất là địa phương được sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương thông qua các chương trình, dự án cũng như các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh. Một trong những chương trình đã góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững cho hộ dân là Dự án 2 Chương trình 135 (gồm các tiểu dự án) của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020.

HĐND tỉnh cùng các ban ngành, đoàn thể tỉnh khảo sát thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương thực hiện các mô hình tại huyện Kế Sách. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách Lê Hoàng Phong, việc thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình tại các xã đặc biệt khó khăn, các ấp đặc biệt khó khăn để xây dựng cơ sở hạ tầng được đồng bộ, đến nay 100% đường giao thông nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được nhựa hóa, bêtông hóa, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Dự án đã nâng cao năng lực cộng đồng và cơ sở giúp cho đội ngũ cán bộ xã, ấp, người có uy tín và người dân nâng cao nhận thức về việc tham gia xây dựng kế hoạch, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương. Đồng chí Vương Tấn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú chia sẻ: “Sau khi huyện Long Phú triển khai Chương trình 135 (giai đoạn 2016 - 2018), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 2 - 3%/năm và hộ Khmer nghèo đã giảm 3 - 4%/năm. Đồng thời, xã được đầu tư các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các đường giao thông ấp liên ấp, xã liên xã. Theo đó, hộ Khmer, hộ nghèo tại xã, ấp đặc biệt khó khăn được hỗ trợ vay vốn sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề. Về vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, huyện tiến hành phân bổ hợp lý nhằm triển khai thực hiện các mô hình như: nuôi bò, nuôi dê sinh sản…”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị Lâm Hoàng Ninh cho biết: “Qua 5 năm triển khai thực hiện Dự án 2 Chương trình 135 trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã hỗ trợ rất nhiều đến hộ nghèo trong việc phát triển sản xuất, tạo sinh kế. Để hộ nghèo hộ dân tộc Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện đã xây dựng các mô hình về chăn nuôi heo, bò sinh sản, nuôi bò thịt, nuôi gà thả vườn, trồng màu nhà lưới… Thông qua đó, địa phương đã nhân rộng một số mô hình hiệu quả để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là mô hình nuôi bò sinh sản. Riêng về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được trên triển khai, theo đó hàng năm huyện tranh thủ nguồn vốn để đầu tư xây dựng lộ giao thông nông thôn, duy tu sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng… Chương trình 135 triển khai tại huyện đã giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ Khmer nghèo có thêm mô hình mới, từng bước cải thiện mức sống, tăng thu nhập”.

Đẩy mạnh thực hiện chính sách giảm nghèo

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Sách cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai hàng loạt chính sách của Trung ương, bộ, ban ngành và tỉnh đến các địa phương, như: Chương trình 30a, Tiểu Dự án 3 về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nằm ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, cụ thể là hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế tại huyện Mỹ Tú và Châu Thành, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (đợt 6); dự án dạy nghề, giải quyết việc làm; dự án tín dụng ưu đãi hộ nghèo; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang; chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...”.

Chia sẻ về các chính sách của Trung ương, bộ, ban ngành và tỉnh hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng thông tin: “Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chính sách giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các nguồn vốn và phát huy nội lực phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, giúp việc kinh doanh hộ gia đình nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư, như: công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; công trình điện, đường, trường, trạm… Qua đó, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số vùng sâu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, công tác xây dựng hệ thống chính trị ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; nhân dân trong tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đều tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: