• Đời sống xã hội

Đa dạng mô hình kinh tế giúp hội viên phụ nữ vượt khó thoát nghèo

28/05/2019 17:09 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 28/05/2019 | 17:09

STO - Để giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, vượt khó thoát nghèo, những năm qua, Hội LHPN xã Trung Bình (Trần Đề) tích cực triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mở ra cho hội viên, phụ nữ hướng làm ăn mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong các mô hình phát triển kinh tế mà Hội LHPN xã Trung Bình đang triển khai thực hiện thì mô hình trồng rau sạch được đánh giá là khá hiệu quả, phù hợp với chị em hội viên phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương. Mô hình này hiện đang thu hút 10 hội viên phụ nữ tham gia, với tổng diện tích khoảng gần 1ha.

Nhằm chủ động trong quá trình chăm sóc, chị em phụ nữ đã tận dụng diện tích đất tại vườn nhà để trồng rau sạch và mang lại hiệu quả khá cao, điển hình trong đó là gia đình chị Trần Thị Lộ, ở ấp Chợ. Trước đây, gia đình chị Lộ theo nghề biển đánh bắt thủy, hải sản nhưng do vốn ít, nghề lại bấp bênh nên không còn gắn bó với biển. Để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, chị Lộ đã tận dụng hơn 1 công đất vườn để trồng rau sạch. Đây cũng là nguồn thu nhập chính cho gia đình chị hơn 10 năm qua.

Mô hình trồng rau sạch giúp gia đình chị Trần Thị Lộ ở ấp Chợ, xã Trung Bình (Trần Đề) có nguồn thu nhập ổn định.

Chị Lộ chân tình chia sẻ: “Lúc mới cũng trồng ít nhưng sau này thấy bán được rồi mở rộng diện tích dần lên. Tôi trồng chủ yếu gồm: rau mồng tơi, đậu bắp và đủ các loại rau thơm vì dễ bán, thương lái thích mua. Tuy trồng rau ở vườn nhà nhưng tôi cũng lên liếp cao, sử dụng rơm để phủ mặt liếp giúp giữ ẩm, ở dưới sườn liếp thì phủ nilông để tránh cỏ dại mọc. Trước khi trồng phải cải tạo đất bằng phân chuồng hữu cơ ủ với vôi bột nên rau phát triển xanh tốt, an toàn, không bị sâu bệnh. Trồng rau sạch nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nếu trời nắng thì tưới nước 3 lần/ngày. Lấy công làm lời chứ chi phí đầu tư cũng ít, chỉ mất tiền mua hạt giống. Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng tôi cũng thu về trên 4 triệu đồng”.

Bên cạnh hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch thì mô hình may gia công hiện nay cũng thu hút nhiều chị em phụ nữ địa phương tham gia. Hiện mô hình có 14 hội viên phụ nữ tham gia, có nguồn thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/tháng. Ưu điểm của mô hình là chị em vừa may lại tranh thủ làm việc nhà, chăm lo cho gia đình. Là thợ may tại nhà nhưng thấy chị em hội viên có nhu cầu về việc làm nên chị Trần Thị Đông Phương, ở ấp Nhà Thờ đã đầu tư mua máy may rồi lấy đồ về cho các chị em may gia công. Ngoài việc tự tạo thu nhập, chị Phương còn truyền nghề may cho các chị em trong xóm cùng làm.

Chị Phương bộc bạch: “Lúc đầu là một thợ may gia đình cũng đi lãnh đồ về may gia công thêm, thấy làm ăn được và phù hợp với chị em hội viên nên tôi lãnh đồ ở TP. Hồ Chí Minh về cho chị em cùng làm. Nghề may không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu cực, nếu có tay nghề thì thu nhập cũng tương đối cao mà vẫn có thời gian chăm sóc gia đình”. Thông tin thêm về những dự định trong thời gian tới, chị Phương tiếp lời: “Thời gian tới, tôi tính đầu tư thêm máy may để thu hút nhiều chị em đến làm, giúp cải thiện thu nhập gia đình”.

Chị Hồ Thị Thu ở ấp Nhà Thờ phấn khởi khoe: “Trước đây đi mần mướn thu nhập bấp bênh. Từ khi chị Phương trong hội phụ nữ mở cơ sở rồi truyền nghề may nên tôi rất phấn khởi vì có thu nhập hàng tháng. Do gần nhà nên rảnh lúc nào làm lúc đó, vừa may đồ nhưng tôi vẫn tranh thủ đưa rước con đi học và tranh thủ thời gian nuôi heo. Với nghề may này dù không có ruộng canh tác nhưng mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được trên 4 triệu đồng để có tiền đi đám tiệc, đóng tiền học cho con”.

Mô hình may gia công tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ địa phương.

Ngoài 2 mô hình trên, hiện nay Hội LHPN xã Trung Bình còn đang duy trì và triển khai thực hiện hiệu quả rất nhiều mô hình khác, như: chăn nuôi gà, dê, bò, đan lưới, trồng dưa hấu và tổ phụ nữ chằm lá… Những mô hình nêu trên đã góp phần giúp chị em phụ nữ địa phương ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, hội còn thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các hội viên. Với 4 chi hội, có 1.354 hội viên, thời gian qua, Hội LHPN xã vận động chị em phát triển kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm bằng nhiều hình thức. Chỉ riêng năm 2018, hội đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho 145 hộ thoát nghèo. 

Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Bình Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết: “Để xây dựng các mô hình, chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhu cầu đời sống hội viên và phân loại các hội viên phụ nữ hộ nghèo. Từ đó, tìm hướng để giúp đỡ cho hội viên và xây dựng các mô hình phù hợp. Trong quá trình thực hiện các mô hình, các chị em không chỉ được tham gia họp hội thường xuyên mà còn hùn vốn xoay vòng để giúp các chị có nguồn vốn làm ăn. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, các mô hình tiết kiệm, tổ hợp tác…; phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ để tập hợp chị em đến với tổ chức hội và vươn lên thoát nghèo bền vững”.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: