• Đời sống xã hội

Đẩy mạnh phòng, chống bệnh dại trên đàn vật nuôi

28/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 28/10/2020 | 06:00

STO - Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây tử vong cao ở người khi bệnh nhân đã phát cơn dại, khoảng 99% trường hợp dại là do chó nhà lây truyền bệnh sang người. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó, mèo nuôi; động vật hoang dã như chó sói, chó rừng, mèo, chồn, cáo; một số loài động vật có vú khác. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật mắc dại lên trên da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Các biểu hiện lâm sàng là chó bị dại có biểu hiện khác thường như trốn vào góc tối, đến gần chủ miễn cưỡng, chó bỏ ăn, khó nuốt, sốt, con vật có biểu hiện khát nước, chảy nước dãi, sùi bọt mép, tỏ vẻ bồn chồn, cảnh giác, sợ sệt, hay giật mình, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng. Tuy nhiên, bệnh dại có thể phòng được bằng vắc xin. Qua nhận định trên của ngành chuyên môn, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y về biện pháp phòng chống bệnh dại năm 2020.

Phóng viên: Để người chăn nuôi nâng cao nhận thức về bệnh dại và phòng chống bệnh dại ở động vật, đơn vị đã triển khai thực hiện các giải pháp nào nhằm đưa thông tin đến người dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, nếu bị chó nhiễm bệnh dại cắn phải sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng con người. Chính vì vậy, để người dân nâng cao nhận thức về phòng chống loại bệnh này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền nhằm phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định và các biện pháp phòng chống bệnh dại trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tuyên truyền đến người dân về tác hại của bệnh dại đối với sức khỏe của con người; đồng thời vận động người nuôi thực hiện tốt “5 không” đó là: không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người và không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh công tác tuyên truyền, đơn vị tăng cường các hoạt động về quản lý đàn chó, mèo bằng cách lập sổ theo dõi đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng bệnh dại định kỳ, kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển, giám sát phát hiện bệnh dại, điều tả ổ dịch, quản lý ổ dịch dại.

Phóng viên: Ngoài các giải pháp về tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, thì đơn vị quản lý tại địa phương và người chăn nuôi có trách nhiệm như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Trách nhiệm của UBND xã và chủ vật nuôi trong việc quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh dại được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT, ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, cụ thể với UBND cấp xã là lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn; hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại cho các thành viên của đội chuyên trách; phối hợp cơ quan y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho các thành viên của đội chuyên trách, theo quy định của ngành y tế.

Bên cạnh đó, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Việc nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THÚY LIỄU (Thực hiện)

 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: