• Đời sống xã hội

Đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh

Đừng thờ ơ với tệ nạn ma túy, vì tương lai con em chúng ta

27/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/06/2019 | 06:00

STO - Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy, Công an tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng chương trình, kế hoạch tăng cường lực lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn. Từ đó, chủ động đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, triệt xóa một số tụ điểm phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Sóc Trăng có buổi phỏng vấn đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh về những diễn biến của tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh và kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian tới.

PV: Thưa đại tá, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy được thực hiện ra sao?

Đại tá Phan Văn Ứng: Tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây diễn biến tương đối phức tạp. Mặc dù hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy mang tính chất nhỏ lẻ nhưng số vụ, số đối tượng bị phát hiện, xử lý ngày càng nhiều, tính chất, mức độ phạm tội, thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội, tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng; mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy. Tập trung lực lượng phát hiện, điều tra và xử lý đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy 1.050 cuộc, trên 57.300 lượt người dự. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 43 vụ, 75 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy, thu giữ 0,241gram hêrôin; 54,9509 gram ma túy tổng hợp dạng đá, 40 viên thuốc lắc có khối lượng 14,533 gram, 10,201 gram ketamine, 2 bịch cỏ Mỹ cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

PV: Thời gian gần đây, nhân dân đặc biệt quan tâm đến vấn nạn ma túy xâm nhập vùng nông thôn, kéo theo đó là các tệ nạn xã hội và nhiều hệ lụy, ngành công an đã và sẽ tiếp tục có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn, xử lý?

Đại tá Phan Văn Ứng: Toàn tỉnh hiện có 89/109 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy (có 7 xã, phường, thị trấn trọng điểm loại III). Như vậy ma túy đã len lỏi đến hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa và xâm nhập vào nhiều giai tầng xã hội, kể cả những đối tượng mà trước đây chúng ta cứ đinh ninh là “miễn nhiễm” với ma túy. Thực trạng trên đã tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, có khoảng 80% số vụ, số đối tượng vi phạm pháp luật hình sự thời gian gần đây liên quan đến ma túy, đa số là các vụ trộm cắp, cướp giật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích... Có thể nói, tội phạm ma túy đã trở thành tội phạm của mọi tội phạm và tệ nạn ma túy là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh các loại tệ nạn khác.

Để kiềm chế tội phạm và tệ nạn ma túy vùng nông thôn nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung, Công an tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy… Để hạn chế những hệ lụy do ma túy gây ra, lực lượng công an sẽ phối hợp tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; vận động cai nghiện tự nguyện theo Đề án số 06 của UBND tỉnh; phối hợp quản lý sau cai để nâng cao hiệu quả phòng ngừa; lập hồ sơ đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc...

PV: Hiện nay ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ như: cần sa, ketamine, ma túy đá, cỏ Mỹ, bóng cười... theo đại tá, vì sao người sử dụng ngày càng gia tăng và đa dạng?

Đại tá Phan Văn Ứng: Hậu quả do sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới (NPS) rất đáng lo ngại. Không ít người nghiện ma túy tổng hợp trở thành bệnh nhân tâm thần vì sử dụng lâu ngày, nguy hiểm hơn nó còn để lại những hậu quả, biến chứng nguy hại cho sức khỏe người nghiện... Khi sử dụng nhiều và thường xuyên sẽ có những thay đổi bất thường về quy luật sinh hoạt theo chiều hướng xấu. Giai đoạn nặng hơn là thường nghe thấy, nhìn thấy hay nói và hành động theo những điều không có thật (ảo thanh, ảo giác và hoang tưởng), thậm chí sẽ bị loạn thần với các biểu hiện như nhiều ảo thị (sinh động, nhiều màu sắc, cấp diễn và ảo thanh), xuất hiện các ảo giác, các hoang tưởng thường gặp như hoang tưởng liên hệ, bị truy hại (còn gọi là “ngáo đá”) nên có thể dẫn đến giết người...

Gần đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang nhóm thanh niên sử dụng trái phép chất ma túy trong quán karaoke. Ảnh: Tuấn Khanh

Nguyên nhân quan trọng dẫn đến các thanh, thiếu niên lạm dụng chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp là do thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình. Nhiều người không có thời gian gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, theo dõi các diễn biến tâm lý con, em mình. Cùng với đó là sự tò mò, đua đòi của một bộ phận thanh, thiếu niên. Một số ban đầu không có chủ định sử dụng những chất đó, nhưng do những lời khích bác của bạn bè và để chứng tỏ mình bản lĩnh nên đã sử dụng nó một cách vô tư. Một số khác thì tò mò không biết các chất gây nghiện đó có mùi vị như thế nào nên muốn thử cho biết. Chính sự tò mò và thiếu hiểu biết đã gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc về sau.

Bên cạnh đó, quan niệm của một bộ phận giới trẻ hiện nay là phải sử dụng ma túy tổng hợp mới sành điệu, thời thượng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng ma túy tổng hợp chỉ tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn tức thời, không gây nghiện... Cùng với đó, giá ma túy tổng hợp, nhất là ma túy đá đã giảm rất nhiều nên dễ sử dụng và phù hợp với không khí vui vẻ, sôi động tại các điểm vui chơi, giải trí của giới trẻ như các quán bar, vũ trường, karaoke.

PV: Đại tá có thể thông tin thêm về số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Đại tá Phan Văn Ứng: Tính đến ngày 15-6-2019, toàn tỉnh có 752 người nghiện và 1.833 người sử dụng chất ma túy không thường xuyên. Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy sau khi tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện phục hồi vẫn còn không ít khó khăn như chống kỳ thị, phân biệt đối xử, học nghề, vốn vay, nhất là vấn đề việc làm. Trong đó, khâu đào tạo nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm đối tượng này sẽ là giải pháp thiết thực không chỉ giúp họ giảm nguy cơ tái nghiện, ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

PV: Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường các hoạt động, với chủ đề: “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, trên địa bàn tỉnh có những hoạt động cụ thể nào để hưởng ứng tháng hành động? Đại tá có những cảnh báo gì về tác hại của ma túy đối với người sử dụng?

Đại tá Phan Văn Ứng: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” năm 2019, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến toàn lực lượng trong tỉnh nhằm đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy và Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26-6-2019.

Một đối tượng trong cơn ngáo đá, đã phóng hỏa làm cháy rụi 4 căn nhà liền kề. Ảnh: Đức Trung

Ma túy là hiểm họa của xã hội, gây tổn hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, là “tội phạm của mọi tội phạm”. Nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy” với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, chúng ta cần xác định “Phòng, chống ma túy là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và của toàn xã hội; mọi người hãy cùng chung tay, đừng thờ ơ với tệ nạn ma túy, vì tương lai của con em chúng ta”.

PV: Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm ma túy thì cần những giải pháp gì, thưa đại tá?

Đại tá Phan Văn Ứng: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng công an các cấp cần tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của từng cá nhân, từng gia đình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về nhiệm vụ phòng, chống ma túy với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng.

Chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy đến học sinh, sinh viên, công nhân lao động, số thanh niên chậm tiến có nguy cơ cao. Tổ chức tốt các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy ở tận địa bàn dân cư, từng hộ gia đình.

Lực lượng công an, bộ đội biên phòng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp đấu tranh triệt phá các đường dây vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, các tụ điểm phức tạp về ma túy. Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tập trung kết thúc điều tra các vụ án ma túy đã khởi tố, phối hợp viện kiểm sát, tòa án tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, cảnh báo, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy rộng rãi trong xã hội.

Thường xuyên rà soát, thống kê số lượng người nghiện và sử dụng ma túy để xây dựng kế hoạch quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện và người sử dụng trái phép ma túy; chủ động phòng ngừa, không để gia tăng người nghiện mới; xây dựng kế hoạch triệt xóa các tụ điểm ma túy không để hoạt động phức tạp. Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy.

Nếu thực hiện đồng bộ những điều trên, tin rằng, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với nhiệm vụ quan trọng này trong thời gian tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn đại tá!

Trong báo cáo Ma túy thế giới năm 2018, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) cho biết, chỉ trong vòng 1 năm (2016 - 2017), tổng sản lượng thuốc phiện toàn cầu tăng tới 65%, với mức 10.500 tấn. Sản lượng cocain đạt tới 1.400 tấn, tăng 56%... Trên thế giới có khoảng 275 triệu người sử dụng ma túy bất hợp pháp, tăng khoảng 5,6% mỗi năm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, việc sử dụng ma túy đã khiến khoảng 31 triệu người rơi vào tình trạng rối loạn đến mức phải điều trị; dẫn đến cái chết của khoảng 450.000 người mỗi năm. Trong số gần 11 triệu người tiêm chích ma túy, có đến 1,3 triệu người nhiễm HIV, 5,5 triệu người mắc viêm gan C và 1 triệu người mắc cả HIV và viêm gan C.
Sự gia tăng số người sử dụng ma túy còn song hành với sự gia tăng tình trạng bạo lực, tội phạm, tham nhũng, làm suy yếu các nhà nước; đồng thời thúc đẩy các cuộc xung đột, khủng bố, tạo nên tình trạng mất an ninh nghiêm trọng tại nhiều điểm nóng trên thế giới.
Cuộc chiến chống ma túy toàn cầu vẫn còn rất cam go.

 

Ngọc Diễm (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: