• Đời sống xã hội

Môi giới lấy chồng ngoại - thủ đoạn buôn bán người tinh vi

03/09/2019 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/09/2019 | 06:01

STO - Theo thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người Việt xuất cảnh ra nước ngoài. Những năm qua, với chính sách mở cửa, hội nhập, số lượng người xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới nước ta ngày càng gia tăng. Những tỉnh có đường biên giới với nhiều cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở đã trở thành điều kiện thuận lợi để bọn tội phạm mua bán người nói chung, mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng tăng cường hoạt động, trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật...

Qua phân tích từ các vụ mua bán người được phát hiện, xử lý cho thấy, đặc điểm chung của các nạn nhân là nhận thức và trình độ còn hạn chế, thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn. Có một vấn đề đáng quan tâm là phần lớn vụ việc mua bán phụ nữ, trẻ em chỉ được phát giác sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc được giải cứu nhưng với tỷ lệ may mắn là rất nhỏ so với thực tế.

Chị S (bên trái qua, người thứ ba) nạn nhân của hình thức mua bán người tinh vi thông qua hôn nhân môi giới. Ảnh: SONG LÊ

Có rất nhiều thủ đoạn lừa gạt của tội phạm mua bán người. Phần lớn là các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc, Malaysia... Hoặc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin như Zalo, Facebook kết bạn, làm quen, nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, có trên 400 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng đa phần đều để lại những hệ lụy đáng tiếc. Có thể nói, hình thức thông qua môi giới kết hôn để đưa phụ nữ ra nước ngoài là một trong những cách phổ biến hiện nay. Thời gian qua, xuất hiện một số “má mì” tìm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất là ở TX. Vĩnh Châu dụ dỗ những cô gái với những lời hứa hẹn “có cánh” khi lấy chồng ngoại quốc. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin “sập bẫy”, để rồi trở thành nô lệ, hoặc trở thành “máy đẻ” cho đàn ông ngoại quốc nghèo khó, lớn tuổi, thậm chí là làm vợ người bị tâm thần, làm vợ nhiều người trong một gia đình.

Chị B trốn về Việt Nam cùng đứa con lai, tan vỡ giấc mộng đổi đời. Ảnh: SONG LÊ

Điển hình là trường hợp của chị L.T.N.B, ở một xã thuộc địa bàn TX. Vĩnh Châu, lấy chồng qua môi giới, cuộc sống trải qua tháng ngày khổ cực, chị phải trốn về Việt Nam với đứa con lai và hai bàn tay trắng, tiếp tục cuộc đời “một nắng hai sương” sau giấc mộng đổi đời. Hay như trường hợp của chị L.T.S ở huyện Châu Thành, nghe lời hứa hẹn lấy chồng nước ngoài sẽ được cho 100 triệu đồng, cuối cùng tiền không có mà còn bị gia đình chồng bạo hành, bị bỏ ở một tỉnh của Trung Quốc có cửa khẩu giáp với Việt Nam, trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Tỉnh lại nhưng không nhớ gì, chị được đưa điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II. Sau đó thông qua mạng xã hội, gia đình mới biết và tìm đến rước chị về. Được sự chăm sóc của người thân, chị dần hồi phục, khỏe mạnh hơn xưa. Đau lòng nhất là trường hợp của chị O.T.N.H, ở TX. Vĩnh Châu, cha mất, mẹ đi lấy chồng khác khi chị lên 2 tuổi. Chị H sống cùng cô ruột, qua mai mối, chị bằng lòng lấy chồng nước ngoài để mong thoát kiếp nghèo. Nhưng ai ngờ đó là chuyến đi vĩnh biệt, chị bị người chồng Trung Quốc mang chứng bệnh tâm thần sát hại khi lên cơn, ngày trở về quê hương chỉ là mớ tro lạnh trong sự tuyệt vọng, uất ức của người thân…

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, đặc biệt là thông qua yếu tố kết hôn thì các lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn. Đồng thời, công tác phòng chống nạn mua bán phụ nữ, trẻ em bị lợi dụng mua bán bằng môi giới hôn nhân phải luôn được coi là một công tác trọng tâm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở.

Song Lê

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: