• Đời sống xã hội

Ngành nước nông thôn Sóc Trăng với giải pháp ứng phó hạn, mặn

23/07/2020 07:15 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 23/07/2020 | 07:15

STO - Năm 2019 - 2020, tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện sớm, kéo dài, mức độ gay gắt và liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh...

Theo thống kê từ các địa phương, mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất tổng cộng khoảng 96.000 hộ (khoảng 430.000 người dân), bao gồm 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung (22%), 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước gia đình (78%) tập trung tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng với 24.000 hộ. Nguyên nhân hộ dân nông thôn thiếu nước sinh hoạt tại Sóc Trăng là do nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm và thiếu dụng cụ trữ nước hộ gia đình.

Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ người dân ở xa tuyến ống nước bằng cách chở nước sạch nông thôn đến tận hộ. Ảnh: THÚY LIỄU

Ngành nước nông thôn Sóc Trăng ứng phó hạn, mặn

Để chủ động đối phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng nông thôn, đặc biệt là người dân tại khu vực ven biển, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) đã triển khai các giải pháp ứng phó hữu hiệu nhằm đảm bảo được nhu cầu cung cấp nước sạch đến hộ dân nông thôn trong mùa hạn, mặn.

Kể từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015 - 2016, rồi mùa khô năm 2019 đến nay, Trung tâm NS-VSMTNT đã đầu tư mở rộng được 456.411m ống cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, giải quyết nước sinh hoạt cho thêm 16.428 hộ, với công trình được thực hiện là 31 công trình (trong đó xây mới 4 công trình). Đồng thời, đơn vị cũng đã đầu tư xây dựng 16 trạm bơm, sửa chữa 45 cống, nạo vét 53 tuyến kênh trục tạo nguồn do tỉnh quản lý và hỗ trợ kinh phí nạo vét các tuyến kênh cấp hai do các huyện quản lý theo phân cấp, tổng chiều dài nạo vét hơn 4.395km. Bên cạnh đó, tính riêng từ mùa khô năm 2019 - 2020 đến nay, đơn vị đã thi công 265.822m đường ống cấp nước, giải quyết nước sinh hoạt cho thêm 8.125 hộ, tập trung tại các huyện: Trần Đề, Long Phú, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn cao điểm, đơn vị đã triển khai thực hiện giải pháp cấp bách bằng cách chở nước sạch nông thôn đến tận nhà cho hộ dân vùng ven biển để cung cấp nước sinh hoạt cho hộ trên địa bàn các xã Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận, Liêu Tú (Trần Đề).

Ngoài giải pháp cấp bách đưa nước sạch nông thôn đến tận nhà hộ dân xa tuyến đường ống nước tập trung đang triển khai thực hiện thì đơn vị còn phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các đợt cấp phát thùng chứa nước, bình lọc nước đến hộ dân để hỗ trợ hộ dân có dụng cụ chứa nước, đảm bảo sức khỏe cho gia đình các hộ. Song song đó, Trung tâm NS-VSMTNT đã triển khai kéo các tuyến ống để cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn với chiều dài hơn 460km tuyến ống, phục vụ và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 16.500 hộ dân; hiện đơn vị đang tiếp tục hoàn thiện thêm 60km đường ống, đảm bảo cấp nước cho 22.400 hộ dân và hỗ trợ khoảng 600 bồn chứa nước hộ gia đình và 200 thiết bị lọc nước cho các hộ dân không được tiếp cận nguồn nước tập trung.

Giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững

Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 và định hướng giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức ngày 20-6-2020 tại tỉnh Long An, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng trong thời gian tới, để đảm bảo nước sinh hoạt cho các địa phương, cần giải quyết theo nguyên tắc nguồn nước cho sinh hoạt giải quyết độc lập, tách bạch với nguồn nước sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng cho nguồn nước sinh hoạt tránh nguy cơ ô nhiễm từ chất thải của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng mức bảo đảm vì nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hiện chỉ được thiết kế với tần suất cao nhất đến 85% và thực hiện rà soát, khoanh vùng cân đối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt trong điều kiện bình thường và điều kiện cực đoan đến từng xóm, thôn, xã, huyện để có giải pháp phù hợp.

Đồng thời, xây dựng bổ sung các nhà máy cấp nước tập trung có nguồn nước ổn định; tăng công suất, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; tiếp tục xây dựng các khu trữ nước dành riêng cho sinh hoạt có quy mô phù hợp với địa hình, nguồn nước cung cấp, bảo đảm trữ đủ lượng nước trong trường hợp cực đoan nhất về hạn hán, xâm nhập mặn, hỗ trợ vay vốn cấp nước hộ gia đình thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường giải pháp cấp nước hộ gia đình, như: xây dựng bể chứa nước mưa, mua túi vải kỹ thuật trữ nước; từng bước chuyển đầu tư các đập tạm thành công trình điều tiết nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn…

Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Dũng cho biết: “Cùng với giải pháp về cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn do Bộ NN-PTNT nêu, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến đường ống dẫn nước tại các khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng các công trình cấp nước tập trung; nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước; nâng công suất sản lượng nước tại các công trình cấp nước; tiếp tục hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho hộ nghèo cũng như mỗi tháng miễn tiền nước 3m3 nước/đồng hồ/hộ nghèo…”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: